vẫn hết lòng phòng-bị mặt bắc. Thỉnh-thoảng có những người thổ-dân sang quấy-nhiễu, thì lập tức cho quan quân lên tiễu-trừ và cho sứ sang Tàu để phân-giải mọi sự cho minh-bạch. Có một hôm được tin rằng người nhà Minh đem binh đi qua địa-giới, Thánh-tông liền cho người lên do-thám thực hư. Ngài bảo với triều-thần rằng: « Ta phải giữ-gìn cho cẩn-thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái-tổ để lại. » Ngài có lòng vì nước như thế, cho nên dẫu nước Tàu có ý muốn dòm-ngó cũng không dám làm gì. Vả lại quân An-nam bấy giờ đi đánh Lào, dẹp Chiêm, thanh-thế bao nhiêu, nhà Minh cũng phải lấy lễ-nghĩa mà đãi An-nam, cho nên sự giao-thiệp của hai nước vẫn được hòa-bình.
Xem những công việc của vua Thánh-tông thì ngài thật là một đấng anh-quân. Những sự văn-trị và sự võ-công ở nước Nam ta không có đời nào thịnh hơn là đời Hồng-đức. Nhờ có vua Thái-tổ thì giang-sơn nước Nam mới còn, và nhờ có vua Thánh-tông thì văn-hóa nước ta mới thịnh, vậy nên người An-nam ta không bao giờ quên công-đức hai ông vua ấy.
Thánh-tông làm vua được 38 năm thọ được 56 tuổi.
IV. LÊ HIẾN-TÔNG (1497-1504)
Niên-hiệu: Cảnh-thống 景 統
Thái-tử là Tăng 鏳 lên nối ngôi làm vua, tức là vua Hiến-tông 憲 宗.
Ngài là một ông vua thông-minh hòa-hậu. Thường khi bãi triều rồi, ngài ra ngồi, nói chuyện với các quan, hễ ai có điều gì trái phải, ngài lấy lời êm-ái mà nhủ-bảo, chứ không gắt mắng bao giờ. Ngài vẫn hay nói rằng: « Vua Thái-tổ đã gây-dựng nên cơ-đồ, vua Thánh-tông đã sửa-sang mọi việc, ta nay chỉ nên lo gìn-giữ nếp cũ, và mở-mang sự nhân-chính ra cho sáng rõ công-đức của ông cha trước. »
Ngài theo cái chủ-ý ấy mà trị dân, cho nên trong mấy năm ngài làm vua không có giặc-giã gì, mà những việc chính-trị đều theo như đời Hồng-đức, chứ không thay-đổi gì cả.