Bấy giờ trong triều thì Lê quí Ly chuyên quyền, chọn những chân tay cho cai-quản các đội quân để làm vây cánh, ngoài các trấn thì giặc-giã nổi lên nhiều lắm. Ở Thanh-hóa có tên Nguyễn Thanh 阮 清 tự xưng là Linh-đức-vương 靈 德 王 làm loạn ở Lương-giang; tên Nguyễn Kị 阮 忌 tự xưng là Lỗ-vương 魯 王 làm loạn ở Nông-cống. Ở Quốc-oai thì có người sư tên là Phạm sư Ôn 范 師 溫 nổi lên đem quân về đánh Kinh-sư. Thượng-hoàng, Thuận-tông và Triều-đình phải bỏ chạy lên Bắc-giang. Phạm sư Ôn lấy được Kinh-sư, ở ba ngày rồi rút về Quốc-oai. Bấy giờ có tướng-quân là Hoàng phụng Thế 黄 奉 世 đóng ở Hoàng-giang[1] để phòng giữ quân Chiêm-thành, nghe tin Sư Ôn phạm đất Kinh-sư mới đem quân về đánh lẻn bắt được Sư Ôn và phá tan giặc ấy.
2. CHẾ BỒNG NGA TỬ TRẬN. Năm kỷ-tị (1389) Chế bồng Nga lại đem quân ra đánh Thanh-hóa. Vua sai Lê quí Ly đem binh vào chống giữ ở làng Cổ-vô. Quan quân đóng cọc ngăn sông ra giữ nhau với giặc hơn 20 ngày. Giặc bèn phục binh, rồi giả tảng rút quân về. Lê quí Ly đem quân thủy-bộ đuổi đánh, bị phục binh của giặc đổ ra đánh, giết hại mất nhiều. Quí Ly trốn chạy về Kinh, để người tì-tướng là Phạm khả Vĩnh 范 可 永 và tướng-quân là Nguyễn đa Phương 阮 多 方 chống nhau với giặc ở Ngu-giang 麌 江. Bọn Nguyễn đa Phương thấy quân mình yếu thế, giả tảng bày cờ giàn thuyền ra, rồi đến đêm rút quân về.
Qua tháng mười một, quân Chiêm lại vào sông Hoàng-giang, Thượng-hoàng sai quan Đô-tướng là Trần khát Chân 陳 渴 真[2] đem binh đi chống giữ với giặc. Trần khát Chân khóc và lạy rồi ra đi, Thượng-hoàng cũng khóc. Xem thế thì biết vua tôi nhà Trần bấy giờ lấy quân Chiêm-thành làm khiếp sợ lắm.
Trần khát Chân đem quân đến Hoàng-giang xem không có chỗ nào đóng quân được tiện-lợi, bèn rút về đóng ở sông