cho vua quan, thì một tiền là 70 đồng, mà thường tiêu với nhau thì một tiền chỉ có 69 đồng mà thôi.
5. VIỆC ĐẮP ĐÊ. Nước Nam ta ở mạn đường ngược thì lắm núi, mà ở mạn trung châu thì nhiều sông ngòi, cho nên đến mùa lụt nước ngàn, nước lũ chảy về ngập mất cả đồng-điền. Vì vậy năm mậu-thân (1244) Thái-tông sai quan ở các lộ đắp đê ở hai bên bờ sông cái (Hồng-hà), gọi là Đỉnh-nhĩ-đê. Lại đặt quan để coi việc đê, gọi là Hà-đê chánh phó-sứ hai viên. Hễ chỗ nào mà đê đắp vào ruộng của dân, thì nhà nước cứ chiếu theo giá ruộng mà bồi thường cho chủ ruộng.
6. VIỆC HỌC-HÀNH. Năm nhăm-thìn (1232) mở khoa thi Thái-học-sinh (thi Tiến-sĩ). Từ đời nhà Lý cũng đã có thi nho sĩ, nhưng chỉ thi Tam-trường mà thôi, đến bây giờ mới có khoa thi Thái-học-sinh, chia ra thứ bậc, làm ba giáp để định cao thấp. Đến khoa thi năm đinh-vị (1247) lại đặt ra tam khôi: trạng-nguyên, bảng-nhãn, thám-hoa. Khoa thi năm đinh-vị này có Lê văn Hưu, là người làm sử nước Nam trước hết cả, đỗ bảng-nhãn. Năm ấy lại có mở khoa thi Tam-giáo: Nho, Thích, Lão, ai hơn thì đỗ khoa giáp, ai kém thì đỗ khoa ất.
Xem như thế thì sự học-vấn đời nhà Trần cũng rộng: Nho, Thích, Lão cũng trọng cả. Nhưng không rõ cách học-hành và phép thi-cử bấy giờ ra thế nào, bởi vì chỗ này sử chỉ nói lược qua mà thôi.
Năm quí-sửu (1253) lập Quốc-học-viện để giảng tứ-thư ngũ-kinh và lập giảng-võ-đường để luyện-tập võ-nghệ.
7. PHÁP-LUẬT. Sử chép rằng năm giáp-thìn (1244) vua Thái-tông có định lại các luật-pháp, nhưng không nói rõ định ra thế nào. Xét trong sách « Lịch-triều hiến-chương 歷 朝 憲 章» của ông Phan huy Chú 潘 輝 注 thì phép nhà Trần đặt ra là hễ những người phạm tội trộm-cắp đều phải chặt tay, chặt chân, hay là cho voi giày.
Xem như thế thì hình-luật bấy giờ nặng lắm.
8. QUAN-CHẾ. Quan-chế đời nhà Trần cũng sửa-sang lại cả. Bấy giờ có Tam-công, Tam-thiếu, Thái-úy, Tư-mã, Tư-đồ,