Hồng-châu thì có Đoàn Thượng 段 尚 chiếm giữ đất Đường-hào, tự xưng làm vua, ở Bắc-giang thì có Nguyễn Nộn 阮 嫩 độc-lập xưng vương ở làng Phù-đổng. Ấy là một nước mà chia ra làm mấy giang-sơn.
Khi Trần thủ Độ đã thu-xếp trong việc cướp ngôi nhà Lý rồi, mới đem quân đi đánh-dẹp. Trước lên bình giặc Mường ở Quốc-oai, sau về đánh bọn Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn. Nhưng thế-lực hai người ấy mạnh lắm, Trần thủ Độ đánh không lại, bèn chia đất cho hai người làm vương để giảng-hòa.
Năm mậu-tí (1228) Nguyễn Nộn đem quân đánh Đoàn Thượng, chiếm giữ lấy đất Đường-hào, thanh-thế lừng-lẫy. Trần thủ Độ đã lấy làm lo. Nhưng chỉ được mấy tháng, thì Nguyễn Nộn chết. Từ đó các châu huyện trong nước lại thống-hợp làm một.
3. VIỆC CAI-TRỊ. Cứ theo phép nhà Lý thì làng nào có bao nhiêu người đi làm quan văn, quan võ, thơ-lại, quân-lính, hoàng-nam, lung-lão, tàn-tật, và những người đến ở ngụ-cư, hay là những người xiêu-lạc đến ở trong làng, thì xã-quan phải khai vào cả quyển sổ gọi là trướng-tịch 帳 藉. Ai có quan-tước mà có con được thừa ấm thì con lại được vào làm quan, còn những người giàu-có, mà không có quan-tước thì đời đời cứ phải đi lính. Thái-tông lên làm vua phải theo phép ấy, cho nên đến năm mậu-tí (1228) lại sai quan vào Thanh-hóa làm lại trướng-tịch theo như lệ nhà Lý ngày trước.
Năm nhâm-dần (1242) Thái-tông chia nước Nam ra làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt quan cai-trị là An-phủ-sứ 安 撫 使, chánh-phó 2 viên. Dưới An-phủ-sứ có quan Đại-tư-xã 大 司 社 và Tiểu-tư-xã 小 司 社. Từ ngũ phẩm trở lên thì làm Đại-tư-xã, lục phẩm trở xuống thì làm Tiểu-tư-xã, mỗi viên cai-trị, hoặc hai xã, hoặc ba bốn xã. Mỗi xã lại có một viên xã-quan là Chánh-sử-giám 正 史 監.
Lộ nào cũng có quyển dân-tịch riêng của lộ ấy.