Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/247

(Đổi hướng từ Trang:Viet Nam Su Luoc.djvu/247)
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

hiểu, như là sách Thập-điều, Tự-học diễn-ca, Luận-ngữ diễn-ca v.v... »

Xem cái chân-tượng của vua Dực-tông như thế, thì ngài không phải là người to béo vạm vỡ[1], mà cũng không phải là ông vua tàn-ác bạo-ngược như người ta thường nói. Chỉ vì ngài làm vua về một thời-đại khó-khăn, trong nước lắm việc, mà những người phò-tá thì tuy có người thanh-liêm như ông Trương đăng Quế, ông Vũ trọng Bình, trung-liệt như ông Phan thanh Giản, ông Nguyễn tri Phương, ông Hoàng Diệu v.v., nhưng mà các ông ấy đều là người cũ, không am-hiểu thời-thế mới. Vả lại cái thế-lực lúc bấy giờ kém-hèn quá, dẫu có muốn cải-cách duy-tân, cũng không kịp nữa, cho nên mọi việc đều hỏng cả.

2. ĐÌNH-THẦN. Đình-thần là các quan ở trong Triều giúp vua để lo việc nước. Nhưng lúc bấy giờ tình-thế đã nguy-ngập lắm, vì từ đầu thập-cửu thế-kỷ trở đi, sự sinh-hoạt và học-thuật của thiên-hạ đã tiến-bộ nhiều mà sự cạnh-tranh của các nước cũng kịch-liệt hơn trước. Thế mà những người giữ cái trách-nhiệm chính-trị nước mình, chỉ chăm việc văn-chương, khéo nghề nghiên-bút, bàn đến quốc-sự thì phi Nghiêu, Thuấn lại Hạ, Thương, Chu, việc mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện-tại, rồi cứ nghễu-nghện tự xưng mình hơn người, cho thiên-hạ là dã-man. Ấy, các đình-thần lúc bấy giờ phần nhiều là những người như thế cả. Tuy có một vài người đã đi ra ngoài, trông thấy cảnh-tượng thiên-hạ, về nói lại, thì các cụ ở nhà cho là nói bậy, làm hủy-hoại mất kỷ-cương! Thành ra người không biết thì cứ một niềm tự-đắc, người biết thì phải làm câm làm điếc, không thở ra với ai được, phải ngồi khoanh tay mà chịu.

  1. Ta thường trông thấy có cái tranh vẽ một người to lớn vạm vỡ, mặt mũi dữ tợn mà mặc áo đội mũ không ra lối-lăng gì cả, ở dưới cái tranh có chữ đề là vua Tự-đức.

    Cái tranh ấy chắc là của một người nào tưởng-tượng mà vẽ ra chứ không phải là chân-dung của ngài. Vì là thủa trước chỉ trừ những quan đại-thần và những người được vào hầu cận, vua ta không cho ai trông thấy mặt, mà cũng không bao giờ có hình-ảnh gì cả.