Vậy nay lấy những lẽ ấy mà xét xem nên cho nhà Nguyễn Tây-sơn làm chính-thống hay là ngụy-triều, để cho hợp lẽ công-bằng và cho xứng cái danh-hiệu những người anh hùng đã qua.
Nguyên nước ta là nước quân-chủ, lấy cái nghĩa vua tôi làm trọng hơn cả, thế mà từ khi nhà Lê trung-hưng lên trở về sau, họ Nguyễn hùng cứ phương Nam, họ Trịnh xưng chúa miền Bắc; trên tuy còn tôn vua, nhưng mà quyền về cả nhà chúa. Trong nước ta đã có vua lại có chúa, làm thành ra vua không phải là vua, tôi không phải là tôi, ấy là một thời loạn. Đến sau ở trong Nam thì có Trương phúc Loan chuyên quyền làm bậy, ở ngoài Bắc thì có kiêu-binh làm loạn, giết hại quan đại-thần, vua chúa phải nhún mình mà chiều-đãi, đình-thần phải khoanh tay mà chịu một bề, ấy lại là một lúc đại loạn vậy.
Lúc ấy anh em Nguyễn Nhạc là người dân mặc áo vải, dấy binh ở ấp Tây-sơn, chống nhau với chúa Nguyễn để lập nghiệp ở đất Qui-nhơn. Tuy rằng đối với họ Nguyễn là cừu-địch, nhưng mà đối với nước Nam, thì chẳng qua cũng là một người anh hùng lập thân trong lúc biến-loạn đó mà thôi.
Còn như Nguyễn Huệ là vua Thái-tổ nhà Nguyễn Tây-sơn, thì trước giúp anh bốn lần vào đánh đất Gia-định đều được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Tiêm-la, chỉ còn được mấy trăm người lủi-thủi chạy về nước; sau lại ra Bắc-hà, dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, đem lại mối cương-thường cho rõ-ràng. Ấy là đã có sức-mạnh mà lại biết làm việc nghĩa vậy.
Nhưng vì vua nhà Lê nhu-nhược, triều-thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh-luân, lại để cho Trịnh Bồng và Nguyễn hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền, đến nỗi thành ra tán-loạn. Dẫu thế mặc lòng, khi Nguyễn Huệ giết Vũ văn Nhậm rồi, không nỡ dứt nhà Lê, đặt Giám-quốc để giữ tông-miếu tiền triều; như thế thì cách ở với nhà Lê không lấy gì làm bạc.
Sau vua Chiêu-thống và bà Hoàng-thái-hậu đi sang kêu cầu bên Tàu, vua nhà Thanh nhân lấy dịp ấy mượn tiếng cứu nhà Lê, để lấy nước Nam, bèn sai binh-tướng sang giữ thành Thăng-long. Bấy giờ cứ theo như tờ mật-dụ của vua nhà Thanh,