Trong bộ Trang-tử nói lắm câu mới đọc tựa hồ vô nghĩa lý, mà ngẫm ra thì ý vị rất hay, rất cao xa. Xem như câu nói: « Thiên-hạ chỉ cái bụi là lớn, mà núi Thái-sơn là nhỏ, đứa trẻ chết yểu là sống lâu, mà ông Bành-tổ sống 800 năm là chết non ». Câu ấy thì rất vô nghĩa, nhưng thử ngẫm xem phàm việc thiên-hạ cái gì là to, là nhỏ, cái gì lâu chóng khác nhau? Cái to nhỏ, lâu, chóng ấy, chẳng qua lấy cái hình-thức tầm thường bề ngoài mà phân biệt, chớ nếu đem cái mắt cao xa mà ngắm cho kỹ thì muốn cho cái gì là to, nhỏ, lâu, chóng, tức thị cái ấy là to, nhỏ, lâu, chóng vậy. Câu ấy chủ ý chỉ là cho nhớn nhỏ sống chết, phàm chăm việc ở đời là đều nhau hết, dù giầu cũng thế mà nghèo cũng vậy, sang cũng thế mà hèn cũng vậy, chẳng cái gì là hơn cái gì cả; rồi rút cục lại, chẳng qua hóa thành không cả thôi. Bởi cái chủ ý ấy mà sinh ra lòng phóng khoáng không thiết tưởng gì đến việc đời, tức là một chủ nghĩa yếm-thế vậy.
Đến như văn-chương Trang-tử thì thực là văn-chương tuyệt bút, trong một bộ sách không có một câu nào là câu không hay, nghĩa là câu nào cũng tự nhiên mà ý vị rất sâu xa bát ngát. Nói đến văn hay thì phải xem đến nguyên văn mới hiểu được.
Liệt-tử.— Liệt-tử theo một chủ nghĩa bình đạm sơ khoáng, nghĩa là việc gì cũng coi tầm thường nhạt nhẽo, phóng khoáng bông lông, tức cũng là lối học Lão, Trang.
Lối học Lão, Trang tuy là một lối phù-phiếm, không thiết với cận tình của người ta. Song nghĩ cho cùng thì cũng có lẽ phải. Cớ sao vậy? Bởi vì người ta chỉ vì một mối lòng thị dục, ham sự này, muốn sự khác, kẻ thì ganh đua về đường công lợi, người thì bôn xu về đường phú quí, rồi sinh ra các thói gian tham, thói bất nhân bạc ác, người kia kiêu ngạo, kẻ nọ tung hoành, biết bao nhiêu thói hèn mạt đê tiện, đáng khinh đáng bỉ đều bởi một tấm lòng ấy mà ra; biết bao nhiêu sự làm cho thân người ta phải khổ sở cực nhục, biết bao nhiêu nỗi làm cho thiên-hạ phải chua xót dắng cay, cũng đều bởi một tấm lòng ấy mà ra cả. Vả lại những người đua gang như thế, chẳng qua chỉ