Trang:Viet Han van khao.pdf/134

Trang này cần phải được hiệu đính.
— 122 —

Ví-dụ như câu đầu sách, ngài chép rằng: « Xuân vương chính nguyệt », cứ vô tình mà đọc, thì chỉ là lời chép ngày tháng mà thôi. Song ngẫm kỹ ra thì mới hiểu được thâm-ý của ngài. Sao ngài không chép rằng: « Xuân chính nguyệt » là tháng giêng mùa xuân, mà ngài lại đệm chữ « vương » vào giữa là tháng giêng của nhà vua. Đó là ý-tứ gì? Ngẫm ra thì ngài đệm chữ « vương » để tỏ cho thiên-hạ phải biết có nhà vua, ấy là một câu mới mở đầu mà đã ngụ cái ý tôn nhà vua đó. Và không có việc gì cũng chép tháng giêng, lại tỏ ra rằng tháng giêng là muôn việc bắt đầu ở đó mà ra, có ý khuyên nhà vua phải thể theo đạo giời mà làm việc vậy.

Về sau mỗi câu chép, đại để đều có một thâm ý như thế.

Đại-nghĩa kinh Xuân-thu, chỉ là tôn vua nhà Chu mà khinh ngũ-bá, vì ngũ-bá chỉ chuộng về đường trí-trá công lợi, không biết nhân nghĩa là gì. Lại có ý trọng Trung-quốc mà khinh nước ngoài, vì nước ngoài bấy giờ như nước Sở, nước Tần và các nước nhung-địch thường cậy sức mạnh xâm lấn Trung-quốc, không quản đến đạo nghĩa là gì. Còn như bọn loạn-tặc thì trị tội rất nghiêm như ai thí quân thì ngài chép rõ tên người ấy mà tước bỏ cả chức tước đi, tức là tỏ ra ý trị tội vậy.

Nói rút lại thì ngài làm kinh Xuân-thu chủ ý binh vục cho cương-thường, mà trong toàn bộ chỉ có hai ý bao biếm (khen, chê) mà thôi. Tiên-nho có câu rằng: « Nhất tự chi bao, vinh ư hoa cổn, nhất tự chi biếm, nghiêm ư phủ việt ». Nghĩa là một chữ của ngài khen, vinh hơn nhà vua phong cho áo cổn mũ miện; một chữ của ngài chê, nghiêm hơn nhà vua dùng phủ việt mà đem hành tội. Ấy là một chữ khen chê của ngài mà quan hệ đến thế. Cho nên kinh Xuân-thu cũng là một cái gương khuyến-trừng rất lớn cho kẻ làm tôi, làm con nghìn muôn đời về sau vậy.

Những nhời ngài chép, tức là một câu cương-mục mà thôi. Còn công việc đầu đuôi ở câu ấy thế nào thì đã có truyện Tả-thị, truyện Công-dương, truyện Cốc-lương bày tỏ sự thực, tức là những tay vũ dực của ngài.