Trang:Viet Han van khao.pdf/13

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

VIỆT HÁN VĂN KHẢO

(Etudes sur la littérature sino-annamite)

Phan Kế-Bính soạn


TỰ NGÔN

Ta trông trên bầu trời, trăng sao vằng vặc, sông ngân-hà lấp lánh, lúc cầu vồng mọc, khi đám mây bay, bóng dáng chiều hôm, cơn mưa buổi sớm, làm cho sướng mắt ta, gọi là văn-chương của bầu trời. Ta nhìn xem dưới trái đất, ngọn núi kia cao chút vút, khúc sông nọ chạy quanh co, chỗ rừng rú, nơi hồ đầm, cây cổ-thụ um thùm, đám cỏ hoa sặc sỡ, nào thành, nào quách, nào tháp, nào chùa, nào đám đồng điền cây cối tốt tươi, nào chỗ thị thành lâu đài san sát, làm cho vui mắt ta, gọi là văn-chương của trái đất. Ta xem trong sách, nghe những nhời nghị luận của các bậc thánh-hiền, xem những bài trước tác của các nhà văn-sĩ, câu thơ đoạn phú, khúc hát điệu ca, tươi như hoa, đẹp như gấm, vui như tiếng đàn tiếng địch, vang như tiếng khánh tiếng chuông, làm cho vui tai ta, sướng dạ ta, gọi là văn-chương của loài người.

Văn là gì? văn là vẻ đẹp. Chương là gì? chương là vẻ sáng. Nhời của người ta, rực rỡ bóng bẩy, tựa như có vẻ đẹp vẻ sáng, cho nên gọi là văn-chương.

Người ta ai là không có tính-tình, có tư-tưởng. Đem cái tính-tình tư-tưởng ấy, diễn ra thành câu nói, tả ra thành đoạn văn, gọi là văn-chương. Vậy thì văn-chương tức là một bức tranh vẽ cái cảnh tượng của tạo-hóa cùng là tính-tình và tư-tưởng của loài người bằng nhời nói vậy.

Văn-chương chẳng những là một nghề chơi thanh nhã để di tình dưỡng tính mà thôi; mà lại có thể cảm động được lòng người, di dịch được phong-tục, chuyển biến được cuộc đời, cái công-hiệu về đường giáo hóa lại