trải biết cảnh lạ lùng thiên hạ, để giúp cái khí văn-chương, rồi mới nhả ra mà làm sách. Nay xem trong sách của ông ấy thì tựa như trông thấy cảnh-tượng lúc đi chơi.
« Ông ta phía nam vượt sông Tràng-hoài, ngược dòng Đại-giang, trông thấy ngọn sóng cuồn cuộn, tiếng gió ầm ào, vật ngang tạt ngửa, cho nên văn-chương trôi chẩy man mác, mạnh mẽ vô cùng.
« Chơi xem trên hồ Vân-mộng, hồ Đỗng-đình và hồ Bành-lãi, thấy nước rộng minh mông, rập rờn sóng biếc, hàng muôn ngọn sông dồn vào cũng không đầy, cho nên văn-chương tràn chứa mà sâu thăm thẳm.
« Trông thấy núi Cửu-nghi quanh co, núi Vu-sơn chót vót, đám mây buổi sớm đỉnh Dương-đài, lớp khói buổi chiều núi Sương-ngô, lan man nghi ngút, màu vẻ biến đổi vô thường, lúc thì đượm đà như dáng mùa xuân, lúc lại phai nhạt như cảnh mùa thu, cho nên văn-chương tươi đẹp mà rườm rà.
« Bơi đò trong sông Nguyên, chèo thuyền trên sông Tương, viếng hồn ông Khuất-Nguyên, xót thương bà Nga-Hoàng, trông trên đám trúc còn vết nước mắt, mà không biết xương thịt còn nguyên ở trong bụng cá hay không, cho nên văn-chương bực rọc mà xót xa rầu rĩ.
« Lại chơi qua phía bắc, tới gò Đại-lương, xem chỗ chiến-tràng của đời Hán, Sở khi trước, tựa như còn nghe thấy tiếng Hạng-Vương ậm oẹ quát tháo, tiếng Cao-Tổ chửi mắng om sòm, như rồng bay, như cọp nhẩy, như có muôn binh nghìn ngựa, cung to giáo dài, đuổi nhau mà reo lên ầm ầm, cho nên văn-chương hùng dũng mạnh mẽ, khiến cho người ta phải sởn ốc rùng mình.
« Nhà ở gần núi Long-môn, nhớ đến công vua Vũ đào sông xẻ núi; sang phía tây đi xứ nước Ba-thục, qua con đường núi Kiếm-các vừa lọt con chim bay, ngửng lên thấy sườn núi cao ngất mây, mà không thấy vết rìu búa nào chạm tới, cho nên văn-chương cũng cao ngất ngàn chót vót mà không ai với kịp.