thấu lẽ thì trong bụng mới không vướng vít điều gì, mà hạ bút không còn vấp váp nữa; ví như người cầm con dao sắc mà cắt một vật mềm, chẳng có khó gì.
10º Ý.— Ông Viên-liễu-Phàm nói rằng: « Văn-chương nào bén ý, thường hay nghĩ được những điều của người ta không nghĩ đến, nói được những lời của người ta chưa nói ra. Ý có khi ở sau khi hạ bút, có khi ở trước khi hạ bút. Ý mà ở được trước khi hạ bút thì là ý hóa-công, chớ không phải là ý nghĩ ngợi ra được. Duy ai dưỡng được tâm cho trong sáng, không để vật gì che lấp, thì trong bụng lúc nào cũng như gương, gặp khi cầm bút hình như có sẵn bài trong ruột, chỉ nhờ tay để viết ra. Vậy là trong bụng có sẵn một bài văn, chẳng qua gặp đề-mục nào thì tả ra đó thôi.
11º Từ (lời).— Văn dẫu lấy ý làm cốt, nhưng lời cũng phải sửa mới được. Vì không sửa lời thì không sao tỏ được ý. Sửa lời có vài cách; hoặc bỏ bớt lời rườm rà cho gọn câu, hoặc hóa lời cũ kỹ làm ra cho mới mẻ, hoặc đổi câu tầm thường làm cho ra cao-kỳ; mà tất phải lấy lục-kinh làm cỗi gốc, lấy lời bách-gia chư-tử để trang điểm câu văn; cao mà không phải là huyền hoặc, lạ mà không phải là quỉ-quái.
12º Cách.— Văn có cách cũng như nhà có từng ngăn từng gian. Làm văn không định cách cục trước, thì đến nửa chừng, tất nhiên phải lộn bộn. Song cách cục có khi phải luyện mới thành, cũng có khi không phải luyện mà cũng thành. Luyện mà thành là cái khéo của người làm ra, không luyện mà cũng thành, là cái tài tình tự nhiên của tạo-hóa.
13º Cơ.— Phép làm văn, biến hóa trăm chiều, không biết thế nào cho cùng, mà chỗ hay ở cả như cơ, cơ tức là cái máy vận động của văn chương. Máy không động thì văn không sao mà hay được. Ví như người bắn tên phải bấm cái máy nỏ, người đẽo rìu phải có chừng trong tay, ý hội được, mà không nói ra được, mình có thể biết mà không có thể bảo cho người biết. Điều ấy cốt ở người biết ý hội lấy ở ngoài lời nói mới được.