Trang:Viet Han van khao.pdf/101

Trang này cần phải được hiệu đính.
— 89 —

thành ca thành từ, ly-tao thì biến thành phú; đến nhà Đường lại thành thơ phú có luật; đến nhà Tống lại sinh ra lối tứ lục, nhà Nguyên nhà Minh lại sinh ra lối kinh-nghĩa. Văn của ta từ ông Hàn-Thuyên thời nhà Trần mới bắt trước thơ phú Tầu mà đặt ra thơ phú nôm, còn lối lục bát thì có đã lâu lắm.

Trên này tuy chưa kể hết được các thể văn-chương, nhưng chừng ấy lối cũng đã đủ mà tả hết tính tình, làm cho có văn-hoa rực-rỡ rồi, tưởng bất tất phải kể làm gì cho lắm. Mà cần nhất cho ta nên tập thì lại chỉ cần có vài lối là thơ, phú, ca, ngâm, nghị-luận, ký-sự mà thôi. Ta biết vài lối đó cũng đủ đem văn-chương mà di-dưỡng tính tình của ta vậy.


TIẾT THỨ III

Luận về phép làm văn.

Trên này đã kể qua các lối văn-chương, nhưng phép làm văn thì phải thế nào? Phép làm văn chẳng những là làm thể-cách nào phải theo khuôn phép của thể-cách ấy, lại cần phải biết lối nữa mới làm được.

Làm văn có nhiều phép, nói qua mấy phép cần dùng sau này:

1.— LẬP ĐỊNH CHỦ Ý. — Phàm làm văn, trước hết phải lập định chủ ý, tức là cái mục đích của mình. Thí dụ như nghị luận việc gì, phải chọn lấy một lẽ nào chính đáng mà nhất định theo về lẽ ấy, rồi khi làm văn, phu diễn thế nào mặc lòng, nhưng trước sau vẫn theo một ý ấy mà thôi. Văn có chủ ý thì đầu đuôi trong một bài văn vẫn quán-xuyến với nhau, không đến nỗi trước nói một đường sau lạc đi một nẻo, thành ra ý kiến lủng củng, không có nhất định.

2.— CẤU TỨ.— Lập được chủ ý rồi thì cấu tứ. Cấu tứ là giùm các tứ làm văn, nghĩa là nghĩ xem trong đầu bài có những tình tứ gì, hoặc có những tình tứ gì ở ngoài liên can đến đầu bài. Thí dụ như đầu bài là « mặt trăng », thì thử xem mặt trăng có những tình tứ gì. Mặt trăng thì có ánh sáng,