Trình Trung Ngộ vốn là lái buôn, biết ít chữ-nghĩa, nàng giải-nghĩa rõ-ràng cho hiểu; chàng rất khen-ngợi mà rằng:
— Văn-tài của nàng, không kém gì Dị-An[1] ngày xưa.
Nàng cười mà rằng:
— Người ta sinh ở đời, cốt được thỏa-chí, chứ văn-chương thời có làm gì, chẳng qua rồi cũng nấm đất vàng là hết chuyện. Đời trước những người hay chữ như Ban Cơ, Sái-nữ[2], nay còn gì nữa đâu. Sao bằng ngay trước mắt, tìm thú vui say, để khỏi phụ mất một thời xuân tươi-tốt.
Trời gần sáng, nàng từ-biệt ra về, từ đấy đêm nào cũng lại.
Trải hơn một tháng, bọn bạn buôn có người biết chuyện, bảo với Trung Ngộ rằng:
— Bác ở chỗ quê người đất khách, nên biết giữ mình thận-trọng, xa lánh những sự hiềm-nghi. Chớ sao nên giở nết gió trăng, quyến phường hoa liễu. Như người con gái ấy, chẳng tường duyên-do gốc-tích, nếu không là cô ả nũng-nịu ở chốn buồng thêu, thì tất cũng dì bé yêu chiều ở nơi gác gấm. Nay bác cứ như vậy, lỡ một sớm sự cơ khó giấu, thanh-tích lộ ra, trên thì bị hình-pháp lôi-thôi,
- ▲ Dị An tức là nàng Lý Thanh Chiếu, hiệu Dị-An cư-sĩ, con gái của Lý Cách-Phi và vợ của Triệu Minh Thành, người đất Tế-nam, có tài thơ-văn, nhất là lối từ, trở nên đại thi-gia đời Tống, có quyền « Thấu ngọc từ » còn truyền ở đời.
- ▲ Ban Cơ tên là Chiêu, em gái Ban Siêu đời Hán, có tài học, triều vua Hòa-đế được triệu vào cung dạy học, các hoàng-hậu quý-nhân đều phải thờ làm thầy. Có làm ra 7 thiên Nữ-giới và làm nối sách Hán-thư. Sái-nữ là nàng Sái Diệm, con gái Sái Ung đời Hán, có văn-tài và hiểu âm-luật, làm ra 18 khúc hát Hồ-già.