Trang:Tan Da tung van.pdf/23

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 21 —

ta cũng tự có tinh-thần, cũng tự có sẵn một lòng luân-lý, ta lấy luân-lý của thánh-nhân đời trước đã đặt ra làm phải, cho nên ta nhân tiện mà theo; không phải lấy đó làm cái luật nhất-định, có quyền bắt ta phải theo mà ta không còn suy xét gì, chỉ cứ nhất-quyết y theo như thế vậy. Trong một đời ta, nếu phàm sự ở theo luân-lý mà thích-đáng thời ta chỉ cứ theo luân-lý, ấy thực là rất tiện cho ta mà là cái may của ta; nếu hoặc có sự ở theo luân-lý mà không được thích-đáng thời ta phải tự lấy tinh-thần mà ăn ở, sao cho không thẹn với luân-lý thời thôi, ấy thực bất-đắc-dĩ cho ta mà là cái không may của ta vậy. Ôi, những sự theo luân-lý mà không thích-đáng thời dẫu tự người đặt ra luân-lý, có gặp sự như thế, cũng không thể cứ theo luân-lý; nếu ta gặp có sự như thế mà ta cứ y theo luân-lý thời tức là tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân-lý vậy. Những sự theo luân-lý mà thích-đáng thời dẫu người đời xưa chưa từng đặt ra luân-lý, ta cũng tự lấy tinh-thần mà ăn ở hợp như thế; nếu ta chỉ biết theo luân-lý mà tự ta không nhận thấy cái chỗ thực nên theo thời tức là tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân-lý vậy. Hoặc như thế, tóm lại chỉ là tự mình coi không có mình, là tự khinh, là không tự trọng. Chúng ta muốn tự trọng, nên không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân-lý.[1]


  1. Những sự theo luân-lý không hợp mà phải ở trái với luân-lý, như thế, người đời xưa gọi là « dụng quyền ». Dụng quyền là sự bất-đắc-dĩ của thánh-nhân; dụng-quyền mà không thẹn với luân-lý thời mới là dụng-quyền, nghĩ thực không dễ. Đây không nói theo nghĩa dụng-quyền, chỉ là nói nghĩa tự-trọng, ấy cũng rất nên phải cẩn-thận; chơi dao mà đướch tay, không phải lỗi ở dao vậy.