Trang:Quan niem ve cuoc nhan sinh.pdf/11

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

thì có lẽ cái học-thuyết của Nho-giáo có phần thắng-lợi hơn cả. Nhưng ở vào thời-đại cạnh-tranh thì cái văn-hóa Nho-giáo thường hay thất-bại. Ấy là chỗ sở đoản của học-thuyết bên Nho-giáo.

Hai cái học-thuyết Lão-giáo và Nho-giáo phát-minh ra ở nước Tàu. Còn cái học-thuyết của Phật-giáo thì khởi phát ra ở đất Ấn-độ, rồi dần dần lan khắp cả các nước bên Á-đông. Tuy Phật-giáo cũng nhận vũ-trụ là một cuộc biến-hóa vô cùng vô tận, nhưng lại không chịu bó mình ở trong cuộc biến-hóa ấy. Vậy nên cái tôn-chỉ của Phật-giáo là chủ ở sự giải-thoát ra ngoài sự biến-hóa của vũ-trụ. Muốn đạt tới cái mục-đích lớn ấy, trước hết phải tìm cho ra cái mối bởi đâu mà có sự biến-hóa. Phật-giáo cho vũ-trụ sở dĩ có, là vì cái công-lệ nhân quả tương duyên mà thành ra, chứ không nhận có vị thần nào sáng tạo ra vũ-trụ cả. Nói cho đúng thì Phật-giáo không nói là vô-thần, thường vẫn nhận ở trong thế-gian có thần, nhưng cho là các vị thần, dù cao đến như Phàn-thiên, Đế-thích, cũng hãy còn ở trong cuộc biến-hóa. Những vị thần uy-linh như Phàn-thiên và Đế-thích, làm chủ-tể trên trời và cả thế-gian, mà còn cần phải giải-thoát, thì sự giải-thoát của ta không phải là ở sự kêu cầu những vị ấy. Thành thử Phật-giáo không có cái tính-cách ỷ-lại thần quyền, mà chỉ cốt tự mình cố tìm lấy sự giải-thoát của mình. Ta muốn giải-thoát thì phải lấy trí-tuệ mà hiểu biết sự biến-hóa bởi đâu mà ra. Hễ ta biết được cái gốc sự biến-hóa, thì ta có thể ra được ngoài sự biến-hóa. Bởi cái cách lập thuyết như thế, cho nên cái học-thuyết của Phật-giáo gồm có đủ cả hai phương-diện: thế-gian và xuất thế-gian.

Về phương-diện thế-gian, thì Phật-giáo cho vạn vật vạn sự đều là ảo-vọng không có gì chân-thực lâu bền hết cả. Tuy là ảo-vọng, nhưng đã có thể cảm-giác và xúc-tiếp được, thì cũng phải nhận là có. Có mà cứ biến-hóa vô-thường, ấy là thành ra cái khổ của thế-gian. Ta là một vật ở trong thế-

9