làm lễ, rồi xin xuất-gia, theo thầy học đạo. Thầy Huyền thấy con người có vẻ cười hoa cợt liễu không phải là người cầu đạo, đuổi ra ngoài cửa tam-quan cho về. Nhưng nàng lại khôn khéo nằn nì, kêu khóc muốn tự-tử, rồi bịa ra một truyện vì cha nàng làm huyện-thừa đi thu thuế đem nộp quan, chẳng may đi nửa đường bị cướp, nay phải bán hết gia-cư điền-sản, để đền vào tiền thuế quan mà vẫn chưa đủ, nên phải đi phổ khuyến thập phương để thêm vào, kêu xin sư cụ bố-thí cho lạng vàng, không thì cả nhà cha mẹ, vợ con đều phải tội cả. Lời oanh thỏ-thẻ, cảnh khổ não-nùng, nhà sư sẵn mối thương tâm, phải bố-thí cho lạng vàng. Nàng Ba được vàng liền đem về dâng vua, tâu man là đã thử được thầy Huyền mắc mưu, đã đem được vàng về đây; chính đêm hôm ấy đương lúc trăng trong gió mát có nghe thầy ngâm rằng:
Vằng vặc trăng mai ánh nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh;
Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ,
Mầu Thích-ca nào thử hữu tình!
Ấy đều là những câu của đứa mỏng-mỏi kia nó bịa ra, để đặt điều cho thầy cả. Thế chẳng oan cho thầy lắm ru!
Xin đọc một bài hát cổ để cho thêm rõ đầu đuôi câu chuyện.
Nhớ xưa cổ tục,
Chùa danh-lam có đấng thầy Huyền;
Nhà học trò thi đỗ trạng-nguyên,
Từ quan chức trở về giới-hạnh,
Tưởng đạo Phật cũng như đạo Thánh,
Quyết lên chùa Yên-tử tu-hành;
Tu ba năm đắc-đạo thành danh,
Nổi danh tiếng gần xa nô nức;
Vua khâm sai nàng Ba quốc-sắc,
Đi thử thầy xem đắc-đạo hay không?
Nàng Ba quì gối sân rồng,