Trang:Phat giao dai quan.pdf/31

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 29 —

thời không còn gì nữa. Nhắm mắt mở mắt là sự bất-thường, thời vạn-vật trong thế-gian này cũng là bất-thường cả; đã là bất-thường thời còn cái gì là cái thực? Ta thường thấy con trẻ lấy cái ống rơm dúng vào nước sà-phòng mà thổi ra những bong-bóng xanh đỏ như sắc cầu-vồng, lúc ta trông thời những bong-bóng ấy vẫn là có thật, mà chớp mắt một cái, có gió thoảng qua, thời tan ra hết, còn lại không được một giọt nước. Ấy thiên-hình vạn-trạng trong thế-gian này chẳng qua cũng như cái bào-ảnh đó mà thôi. Cho chí tâm-thân mình, cái mà mình tự xưng là « ta », cái « bản-ngã » của mình ấy cũng là một nắm bong-bóng mà thôi. Có mà không, không mà có, không cũng như có mà có cũng như không, vô-ngã là hữu-ngã, mà hữu-ngã là vô-ngã, nghị luận cho ra, thật vô-cùng-tận. — Ấy những triết-lý cao-thâm như vậy, các nhà ẩn-dật ở Ấn-độ thời bấy giờ đàm-luận với nhau là thường. Thích-già từ khi xuất-gia cũng là một ông ẩn-dật như các ông kia, vì không bằng lòng đạo các ông dạy, nên hết sức suy-tầm ngầm-nghĩ, mới xướng ra đạo Phật.

Thích-già đi hết thày nọ sang thày kia, không gặp được thày nào là vừa ý, bèn quyết chí tu-đạo một mình. Theo thói thường các nhà ẩn-dật thời bấy giờ, Thích-già cũng tưởng rằng muốn tu-hành cho được phải khổ-hạnh cho nhiều. Bèn vào trong rừng sâu, chọn lấy gốc cây to ngồi đó, thu-thập tinh-thần để lập phép nhập-định, nghĩa là định-tĩnh cả thân-thể tâm-thần, khiến cho không biết sướng khổ là gì nữa, người biến thành như cái cây hòn đá vậy. Thậm chí mỗi ngày chỉ ăn một hạt