Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Tây-lịch kỷ-nguyên, thì xuất-hiện ra những tư-tưởng hình-nhi-thượng-học, nói ở trong bộ sách phần nhiều làm bằng kệ, gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh (Prajnâ Pâramitâ sutra). Sách ấy có đến 600 quyển, không biết là của ai làm, trước sau lấy những điều Phật dạy Tu-bồ-đề làm căn-bản chuyên nói về « Không » luận. Từ đó cái mầm Phật-giáo Đại-thặng mỗi ngày một phát sinh ra.

Cách độ một trăm năm sau, tức là vào quãng thế-kỷ thứ nhất sau Tây-lịch kỷ-nguyên, bấy giờ có vua Kanishka, người nước Nhục-chi, giữ bá quyền ở vùng Tây-bắc Ấn-độ và lại rất sùng đạo Phật, mới triệu-tập cuộc kết-tập lần thứ tư ở thành Jalandhara, do hai thượng-tọa Pârçya và Vasumitra làm chủ-tọa, tức là cuộc kết-tập cuối cùng. Lúc bấy giờ trong phái Thượng tọa trưởng-lão có 11 bộ, phái Đại-chúng có 9 bộ. Các bộ ấy vẫn lẩn-quẩn ở trong hai luận-thuyết « hữu » và « không ». Các bộ bên Thượng-tọa trưởng-lão thì chủ-trương « hữu luận » cho vạn pháp tuy là vô thường, nhưng vẫn là có, có một cách tương đối, không thể nói là không được. Các bộ bên Đại-chúng thì chủ-trương « không luận » cho vạn pháp tuy có, nhưng thực là không, vì vạn pháp không có tự tính.

Ngoài hai luận-thuyết ấy, lại có một luận-thuyết gọi là Trung-luận (Mâdhyamikas) chủ-trương cái thuyết chẳng « hữu » chẳng « không ». Đó là cái tình-thế Phật-giáo khi vua Kanishka mở cuộc kết-tập lần thứ tư. Thủa ấy có Mã Minh (Açyagosha) là một bậc cao tăng, có tài-đức lớn và lại nhiễm cái tư-tưởng sách Bát-nhã Ba-la-mật-đa, mới làm sách Đại-thặng khởi tin luận nói về A-lại-da thức (Âlaya vijnâna) và Chân-như (Tathâtâ).

76