Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Tự-tại lại do cái khác mà có, thì cái khác lại do cái khác nữa, như thế thì vô cùng; vô cùng thì không có nhân. Có các thứ nhân-duyên thì nên biết vạn vật không phải Tự-tại sinh ra. »... Sách Du-gia-luận cũng nhiều chỗ bác cái lẽ cho Tự-tại làm vạn vật, nhân, nghĩa là làm cái gốc, cái nguyên-nhân của vạn vật.

Những lời chứng-nghiệm ấy đủ rõ là Phật tuy nhận có Phạm-thiên (Brahmâ) là chủ-tể trên trời, nhưng không nhận Phạm-thiên là đấng tạo-tác ra vạn vật. Phật cho là các đấng thần lớn ở trên trời tuy có ngôi cao, nhưng vẫn còn ở trong tam-giới, tức là còn phải ở trong vòng biến-hóa của vũ-trụ. Vậy nên sách Phật thường hay chép rằng Phạm-thiên, Đế-thích xuống kêu cầu Phật thuyết pháp để cho trời và người đều được giải-thoát.

Cái cuộc biến-hóa mà các vị thần lớn ở trên trời cũng không tránh khỏi đó, là căn-nguyên bởi đâu? Bởi cái lẽ mờ-tối nó gây ra duyênnghiệp, làm cho cái chân-thể đang yên-lặng sáng-suốt mà thành ra có hình có sắc, có còn có mất, có đau có khổ; làm cho đang tuyệt-đối tịch-tĩnh mà thành ra tương-đối vô thường. Cái tương-đối vô thường ấy thay-đổi mà có mãi, là bởi cái nhân-duyên cứ tiếp-tục mà sinh sinh hóa hóa. Đó là cái thuyết căn-bản của đạo Phật nói về thế-gian. Tuy về sau đạo Phật có nhiều tông nhiều phái, nhưng không có tông nào phái nào vượt qua được cái thuyết ấy, mà bao giờ cái thuyết ấy vẫn đứng làm cái cột-trụ rất vững-vàng của Phật-giáo. Dù đến ngày nay, khoa-học thịnh-hành lên, các lý-thuyết của những tông-giáo khác đều rung-động, mà cái lý-thuyết nhân-duyên của Phật-giáo vẫn yên-vững

46