Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/84

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 72 —

V

SỰ THỜ-PHỤNG VÀ CÁCH BÀI-TRÍ CÁC TƯỢNG TRONG CHÙA

Cách bài-trí các tượng chư Phật, chư Bồ-tát cùng các vị thần thánh ở trong chùa, tuy vẫn có qui-thức và ý-nghĩa rõ-ràng, nhưng vì xưa nay không có sách-vở nào ghi chép cho tinh-tường, thành thử người ta vào chùa không phân-biệt được pho tượng nào thờ vị nào. Nay ta muốn biết rõ, thì trước hết phải phân-biệt tượng thờ chư Phật và tượng thờ chư Bồ-tát.

Tượng thờ chư Phật tạc theo những tướng lạ đã nói ở trong kinh, nhất là những tướng đã biểu-lộ ra ngoài, như là trên đỉnh đầu có cái gồ thịt nổi cao lên tựa búi tóc, mặt tròn và ở phía dưới trán, chỗ hai lông mày giao với nhau, có cái nốt thịt gọi là bạch-ngọc-hào, hai tai dày và dài, ngực có ngấn chữ vạn 卐, mình vàng sắc hoàng-kim. Tượng nào cũng để ngồi lối phù-giả, nghĩa là ngồi xếp-bằng trên tòa sen, dáng-điệu thuyết-pháp hoặc làm hiệu bố-thí. Bởi vì tượng Phật thường làm lộ viên-đỉnh[1] không mấy khi đội mũ, để tóc xoăn như con ốc, cho nên tục gọi là tượng Bụt ốc.

Tượng thờ chư Đại Bồ-tát, thì đầu đội mũ bào-quan, cổ đeo anh-lạc, nghĩa là đeo dây châu báu, hoặc ngồi, hoặc đứng trên tòa sen, có khi cưỡi trên con thú, tay cầm pháp bảo hay cầm quyết, là hiệu riêng của từng vị.

Tại sao tượng chư Phật và chư Đại-Bồ-tát thường để ngồi hay đứng trên hoa sen? Nguyên trong các thứ hoa, có hoa sen biểu-thị được rõ-ràng cái ý-nghĩa đạo Phật. Một là đạo Phật, nói rút lại, là đạo nói về nhân với quả: nhân không lìa quả, quả không lìa nhân, mà hoa sen là hoa có cả nhân và quả, đồng thời cùng sinh ra một lúc. Hai là hoa sen sinh trưởng ở


  1. Viên đỉnh: Đỉnh đầu tròn