Trang:Phật Lục - Trần Trọng Kim.pdf/30

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 26 —

II

CHƯ PHẬT

諸 佛

Theo cái lý-thuyết tam thân 三 身 của Đại-thặng Phật giáo, thì Phật có ba thân, là pháp-thân, báo-thân và ứng thân. Pháp-thân 法 身 là lý-pháp tụ-tập lại mà thành ra thân, tức là lấy pháp-tính làm thân vậy. Pháp-tính không phải là sắc chất mà cũng không phải là tâm-trí, mà khắp đầy cả vũ-trụ, đâu đâu cũng có, không sinh không diệt, lúc nào cũng thường trụ[1], thuần-nhiên là cái diệu lý chân-thực thanh-tĩnh. Vạn pháp phải nương vào đấy mà có và mọi đức phải tu lại ở đấy mà thành.

Báo-thân 報 身 là cái phần hơn, phần tốt của phúc-đức trí-tuệ tích-tụ làm thân, mà được cái quả-báo viên-mãn. Báo-thân lúc nào cũng nương vào pháp-thân, không bao giờ gián-đoạn, tức là trí khế-hợp[2] với lý để đối với mình và đối với người mà thụ-dụng, cho nên còn gọi là thụ-dụng-thân 受 用 身.

Ứng-thân 應 身 là tùy loại mà hóa hiện ra sắc-thân để phổ-ứng quần-cơ[3] tu thành chính-giác và thuyết-pháp độ chúng. Vì thế có khi gọi là hóa-thân 化 身 hay là biến-hóa-thân 變 化 身.

Nói tóm lại, pháp-thân là trỏ cái thể sở chứng được; báo-thân và ứng-thân là trỏ cái dụng nhờ ở cái thể ấy mà phát ra. Vậy nên tuy nói là ba thân, nhưng thực là chỉ có một thể. Một thể tức là một Phật.

Một Phật, nghĩa là một cái minh-giác linh-diệu chung khắp cả vũ-trụ. Cái minh-giác linh-diệu ấy lưu chuyển phát-hiện ra các thân khác, tức là thành ra chư Phật. Do cái phúc-


  1. Thường-trụ: Có luôn luôn.
  2. Khế-hợp: Hợp đúng.
  3. Phổ-ứng quần-cơ: Ứng khắp cả các cơ của chúng-sinh.