Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

90
NHO-GIÁO


Bẩm tính thụ mệnh cùng đồng một sự thực cả, nhưng mệnh có quí tiện, tính có thiện ác. Nếu nói tính không thiện ác là nói mệnh không quí tiện vậy » (Bản-tính, III). Xem lời Vương Sung nói như thế, thì ông cho là có tính thiện, có tính ác. Thiện hay ác là bởi cái chất, chứ không phải bởi cái tính. « Tính bản tự-nhiên, thiện ác hữu chất 性 本 自 然,善 惡 有 質: Tính gốc tự-nhiên, thiện ác có chất » (Bản-tính, III). Nghĩa là tự-nhiên sinh ra là tính mà thiện ác là do ở cái chất của mình đã bẩm-thụ tốt hay xấu. « Bẩm khí hữu hậu bạc, cố tính hữu thiện ác giã 禀 氣 有 厚 泊,故 性 有 善 惡 也: Bẩm tính có hậu hay bạc, cho nên tính mới có thiện hay ác » (Suất-tính, II). Tính là phần người ta tự-nhiên sinh ra mà có, tuy cùng chịu một nguyên-khí của trời đất, nhưng nhiều ít khác nhau, thành ra cái chất cũng khác nhau, cho nên mới có cái tính thiện và tính ác.

Tính thiện tính ác không phải là không thể biến đổi đi được, nhưng khi đã biến đổi đi rồi, thì không trở lại nguyên-chất được nữa. Ví như tơ lụa có thể nhuộm xanh thì hóa ra xanh, nhuộm đỏ thì hóa ra đỏ, mà đã nhuộm rồi thì không trở lại được như cũ. Cái tính cũng thế, thiện biến ra ác, ác biến ra thiện được, tùy sự giáo-hóa và sự tập-nhiễm của người ta. Cho nên thánh hiền