Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

59
NHO-GIÁO


Quan-niệm về chính-trị. — Đổng trọng Thư lấy ý nghĩa câu: « Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân 不 患 貧 而 患 不 均: không lo nghèo mà lo không đều »[1] của Khổng-tử mà chủ-trương việc chính-trị. Ông nói rằng : « Giàu lớn thì kiêu, nghèo lớn thì lo. Lo thì sinh ra trộm cướp, kiêu thì làm điều tàn-bạo, ấy là cái tình thực của người ta vậy. Bậc thánh là nhân cái tình thực của nhân-chúng, thấy rõ cái chỗ bởi đâu mà sinh ra loạn, cho nên dựng ra nhân-đạo mà phân trên dưới, khiến kẻ giàu thì đủ lấy làm quí mà không kiêu, kẻ nghèo thì đủ nuôi sự sống mà không đến nỗi lo. Lấy đó làm độ mà phân cho đều, ấy là của không thiếu mà trên dưới được yên, cho nên dễ trị vậy. Đời nay bỏ cái chế-độ mà theo lòng muốn. Lòng muốn không có chỗ cùng, mà lại được rong-dài, thì cái thế không có chỗ cực. Người lớn ở trên thì lo không đủ, kẻ tiểu-dân ở dưới thì khổ-sở, thành ra người gian thì càng ngày càng tham lợi mà không chịu làm việc nghĩa, kẻ nghèo thì càng ngày càng phạm điều cấm mà không thể thôi được, ấy là đời khó trị vậy » (Chế-độ XXVII).


  1. Câu này, sách Luận-ngữ chép: Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an 不 患 寡 而 患 不 均,不 患 貧 而 患 不 安. »