Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

276
NHO-GIÁO


một, chứ không phải là hai. Hiểu như thế, thì câu của Chu Liêm-khê chỉ nói cái chân-thể của lý Thái-cực mà thôi, chứ không có nghĩa phân ra « vô » với « hữu » hai thể khác nhau.

Thiết tưởng ai xem kỹ câu: « Vô-cực nhi Thái-cực » cũng phải hiểu như Chu Hối-am thì mới đúng nghĩa. Nhưng chỗ này Lục Tượng-sơn hiểu chữ « cực » ra nghĩa khác, cho nên mới nhất định không chịu. Sau cùng Chu Hối-am viết nói rằng: « Lão thì nói « hữu » và « vô » là cho « hữu » và « vô » làm hai thể; Chu Liêm-khê nói « hữu » và « vô » là cho « hữu » và « vô » là một. Xin tử-tế xem kỹ, chớ nên vội-vàng chê bai. Nói « Vô-cực nhi Thái-cực » cũng như nói: « Vô-vi chi vi » không phải là bảo có một vật khác nữa; không phải như là nói « hoàng cực, dân cực, có phương-sở, có hình-tượng », nhưng chỉ nói cái chí-cực của lý ấy vậy. » Sau Hối-am lại viết thêm rằng: « Như nói là chưa phải, thì để ngày tháng qua lại, ta cứ mỗi người theo cái sở văn của mình, và cứ làm cái sở tri của mình, chứ không mong cho phải đồng với nhau. »

Chu Hối-am thường viết thư cho người ta rằng: « Học-giả nên kiêm cả cái sở trường của hai nhà, chớ nên khinh-suất mà chê bai. Nếu có điều hai nhà không hợp với nhau, thì hãy