Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

243
NHO-GIÁO


cái tâm của mình mà cái học lại đủ thù ứng với sự biến của sự vật, cho nên cái khí thì mạnh, cái mưu thì sáng, không có điều gì vướng vít sợ hãi cả. Bất hạnh có vấp ngã, thì lấy tử sinh mà đối phó. Cái tâm của kẻ tiểu-nhân thì nhất thiết trái lại thế. »

Chu Hối-am có tư-tưởng rất cao, đạo-đức rất hậu, thật là một nhà đại-nho trong Nho-giáo, nhưng vì sự hành đạo của ông khổ-khắc quá, phàm những điều phong lưu nhã-trí hơi trái với luân-lý là ông không ưa. Như khi ông làm chức đề-cử ở Chiết-đông đi qua châu Thiên-thai, thấy quan sở-tại là Đường Trọng-Hữu là một kẻ phong-lưu, có thưởng cho một tên kỹ-nữ có tài thi họa, mà ông bắt dam tên kỹ-nữ ấy và luận tội Đường Trọng-Hữu, gây thành sự hiềm-thù về sau. Đó là một việc hẹp-hòi trong sự đốc tín về đường đạo-đức, kém mất phần khoan-hoằng của Nho-giáo vậy. Cái học của ông lại chi-ly từng chữ từng câu, quá thiên về đường văn tự, chứ không đạt rõ cái tâm-học uyên thâm của Khổng Mạnh. Tuy về sau lúc đã già, ông mới tỉnh ngộ biết hối, nhưng không kịp sửa đổi nữa. Dẫu thế nào mặc lòng, cái sự-nghiệp của ông là đã cố hết sức sưu tầm nghĩa-lý trong các Kinh Truyện, định ra cái qui-mô của sự học. Sự-nghiệp ấy cứ xem những lời phê-bình sau này cũng đủ rõ.