Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

147
NHO-GIÁO


nhưng đến Tống nho mới phát-minh ra rõ-ràng, và lại giải được rõ cái nghĩa « dự thiên địa tham » nói ở sách Trung-dung. Người là một giống nhỏ mọn, nhưng vì cùng bẩm-thụ một cái lý Thái-cực như trời đất, hễ ai biết lấy sự thành 誠 mà theo cái đạo trung-hòa của trời đất, thì có thể ngang với trời đất được. Đó là phần trọng-yếu trong cái học-thuyết của phái lý-học, mà thật không sai với cái tôn-chỉ của Nho-giáo.

Đã nói rằng phái lý-học có chịu cái ảnh-hưởng của Lão-học, mà thật thế, người gây thành cái tiên-thanh cho phái ấy chính là một nhà Lão-học, trứ danh về thuật-số-học. Người ấy là Trần Đoàn 陳 摶, tự là Đồ-nam 圖 南, hiệu là Hi-di 希 夷, ở vào lúc Tống sơ, quãng thế-kỷ thứ X. Trần Đoàn rất tinh thâm Dịch-lý, thường lấy cái học ấy mà xét vận mệnh của trời đất. Từ đó có nhiều người chú ý về Dịch-học. Đến thế-kỷ thứ XI, đời vua Nhân-tôn nhà Tống mới có Thiệu Ung và Chu Đôn-Di theo lý-thuyết trong kinh Dịch mà xướng lên cái thuyết lý-học.

Thoạt kỳ thủy, phái lý-học có hai thuyết. Một thuyết thì lấy tượng số mà xét vận mệnh của trời đất, rồi suy diễn ra sự hành-động của vạn vật. Một thuyết thì lấy thuần túy triết-học mà bàn về đạo-lý và tâm tính.