Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

37
NHO-GIÁO


rằng tuy Ngài không nói tính thiện hay tính ác, nhưng đã gọi tính là cái của Trời phú cho, thì tính tất là phải thiện. Đây ta phải hiểu rõ chữ tính của Khổng-giáo khác nghĩa chữ tính của người ta thường dùng. Người ta thường nói tính là nói gồm tất cả các nết tốt, nết xấu tự-nhiên ở trong tâm-thần của một vật nào, tức là nói cả cái toàn-thể sinh-hoạt của vật ấy. Khổng-giáo không hiểu như thế, cho tính là cái phần thiên-lý của Trời phú cho, có đủ nhân nghĩa lễ trí, tức là cái minh đức nói ở đầu sách Đại-học vậy. Mạnh-tử theo cái ý-chỉ ấy mà lập ra cái thuyết tính thiện.

Thuở ấy có người nói rằng: « Hữu tính thiện, hữu tính bất thiện 有 性 善,有 性 不 善: Có tính thiện, có tính bất thiện ». Có người nói rằng: « Tính khả dĩ vi thiện, khả dĩ vi bất thiện 性 可 以 爲 善,可 以 爲 不 善: Tính có thể làm thiện, có thể làm bất thiện ». Cáo-tử thì nói rằng: « Tính vô thiện, vô bất thiện 性 無 善,無 不 善: Tính không thiện, không bất thiện ». Nghĩa là tính không thiện không ác gì cả. Cáo-tử lại nói: « Sinh chi vị tính 生 之 謂 性: Sinh-hoạt ở đời là tính » và lại ví: « Tính do kỷ liễu giã, nghĩa do bôi quyền giã. Dĩ nhân tính vi nhân nghĩa, do dĩ kỷ liễu vi bôi quyền 性 猶 杞 柳 也,義 猶 杯 棬 也. 以 人 性 爲 仁 義,猶 以 杞 柳 爲 杯 棬: Tính như cây kỷ cây liễu, nghĩa như cái chén cái