Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

286
NHO-GIÁO


người ta hãy còn chất-phác, trí-lự chưa được mở-mang, cho nên thánh-nhân chỉ lấy việc bốc-phệ mà dạy người, để biết điều lành thì làm, điều dữ thì tránh. Về sau dần dần nhân trí mở-mang ra, thánh-nhân tuy vẫn lấy bốc-phệ để khiến người ta quyết-định về việc nên làm hay không, nhưng lại nhân đó mà đem nghĩa lý sâu xa giảng dạy cho người ta hiểu để làm điều thiện. Trước sau tuy cái hình-thức có khác nhau, nhưng cái tinh-thần vẫn là một. Có một điều ta nên biết, là bao giờ trong kinh Dịch vẫn không bỏ bốc-phệ, vì rằng người đời xưa vốn có cái lòng tín-ngưỡng về cái lẽ Trời và người cảm ứng với nhau (天 人 感 應 之 理). Cái lẽ ấy là cái nguyên-ủy của Nho-giáo, cho nên những ý nghĩa tinh-vi như chữ nhân 仁, chữ trung 中, chữ thành 誠, và cái thuyết tính thiện đều căn-nguyên ở lẽ ấy mà ra cả. Học-giả về sau hoặc có người nệ về thuật-số, chỉ chú ý về việc bói toán, như tính Thái-ất, xem số Hà-lạc v. v., bỏ không xét đến cái phép hoằng-thông giản-dị của đạo Dịch, hoặc có người vì khinh việc bốc-phệ mà chỉ chuyên-trị về mặt nghĩa lý, chìm đắm vào cõi hư-vô tịch-mịch, trái với đạo nhân nghĩa trung chính, đều là không hiểu cái ý của thánh-nhân cốt tùy thời mà lập giáo. Tùy thời mà thuận, tùy thời mà chống lại, chữ thời 時 phải có đủ hai