Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/223

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

221
NHO-GIÁO


hại nhân tài mà hỏng việc của thiên-hạ, ấy là Tống-học vậy. »

Cái học của ông là vụ lấy sự thi-thố ra ở việc làm, chứ không cầu ở sự đọc sách. Ông nói rằng: « Người nào nhận sự đọc sách làm sự học, vốn không phải là cái học của Khổng-tử, và lấy cái học đọc sách mà giải nghĩa sách, cũng không phải là sách của Khổng-tử.» Ông cho việc học là phải thực-hành những điều nhân nghĩa lễ trí và lục nghệ. Vậy nên ông tự cung hành những điều ấy và lấy những điều ấy dạy học-trò. Ông thường nói rằng: « Nuôi thân không gì hay bằng sự tập động. Sáng dậy, tối nằm, chấn khởi cái tinh-thần, tìm việc mà làm. » Tóm lại mà nói, cái học của ông chỉ chuyên chủ về một mặt hành-động mà thôi. Lương Khải-Siêu nói rằng: » Cái học của Nhan Tập-trai lấy thực-học thay hư-học, lấy động-học thay tĩnh-học, lấy hoạt-học thay tử-học. » Cái học ấy giống cái tư-trào giáo-dục ngày nay, nhưng về đường tư-tưởng thì như thế chẳng phải là hẹp-hòi lắm hay sao?

Đệ-tử của ông có Lý-Cung 李 塨 và Vương Nguyên 王 源 là trứ danh hơn cả, nhưng vì cái học của phái này khắc khổ quá, cho nên sự truyền ra không được rộng và không được bao lâu cũng mất.