Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/152

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

150
NHO-GIÁO


Đến lúc ở ngục ra, cùng với học-giả lập phép tĩnh tọa, khiến qui về cái tịch để lấy thông cảm, giữ lấy cái thể để ứng dụng. Đại để cái học của ông là chủ ở sự qui tịch để thông sự cảm của thiên-hạ.

La Hồng-tiên. — La Hồng-tiên 羅 洪 先, tự là Đạt-phu 達 夫, hiệu là Niệm-am 念 菴, người đất Cát-thủy, tỉnh Giang-tây, đỗ trạng-nguyên, làm quan được ít lâu rồi về nhà lo việc học, lấy sự nghèo làm thích, không thiết đến của cải.

Cái học của ông lúc đầu dụng lực ở chỗ thực-tiễn, sau theo về tịch tĩnh, đến vãn-niên mới triệt ngộ cái thể của nhân 仁. Thuở ấy những môn-đệ của Dương-minh bàn việc học, đều nói rằng: « Tri thiện tri ác tức thị lương-tri, theo đó mà làm, tức là trí-tri.» Ông bảo rằng: «Lương-tri là nói chí-thiện vậy. Cái thiện của tâm ta, ta biết; cái ác của tâm ta, ta biết; không thể nói là không phải cái tri được. Trong chỗ thiện ác giao tạp, há lại không có cái gì làm chủ hay sao? Không có cái gì làm chủ ở trong, mà bảo cái tri vốn thường sáng là không phải. Cái tri có lúc chưa sáng, nếu theo đó mà làm, mà bảo không có sai lầm ở lúc sau đã phát ra, và có thể thuận ứng các sự vật, là không phải. Cho nên không trải qua sự khô-kháo