Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/145

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

143
NHO-GIÁO


việc căng danh sức hạnh 矜 名 飾 行, điều là việc bày đặt ra cả.

Cái học trí-lương-tri là học cho tới đến lương-tri. Khi đã tới đến lương-tri rồi, thì không cần có công-phu gì nữa. Cho nên ông nói rằng: « Lương-tri không học, không lo nghĩ; cả ngày học là chỉ để phục lại cái thể không học của lương-tri, cả ngày lo nghĩ là chỉ để phục lại cái thể không lo-nghĩ của lương-tri. Trong cái vô-công-phu là có cái chân-công-phu, chứ không phải có thêm vào được chút gì vậy. Cái công-phu chỉ cầu lấy càng ngày càng bớt đi, chứ không cầu cho càng ngày càng thêm ra. Bớt được đến hết, ấy là thánh-nhân. Cái học-thuật của hậu thế chính là trái lại, cứ càng ngày càng thêm công-phu, cho nên cả ngày cần lao, mà cái bệnh lại càng thêm lên. Nếu quả hay một niệm tinh-tinh sáng suốt, lãnh-nhiên tự hội, tới đến chỗ cùng cực cái dụng, mà vẫn không thể hiểu được, ấy là lời cứu-cánh vậy. » (Ngữ-lục).

Thuở ấy ông thấy bọn đồng-môn với ông có nhiều người hiểu cái thuyết lương-tri khác nhau, ông cố phân biện cho rõ những chỗ lầm ấy và nói rằng: Cái tôn-thuyết bàn lương-tri, tuy bọn đồng-môn không ai dám cải trái lại, nhưng chưa khỏi mỗi người theo cái tính sở cận của mình, mà nghĩ-nghị khác