Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/114

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

112
NHO-GIÁO


muôn vật làm nhất-thể, không phải là tự ý riêng mình, mà chính là cái nhân ở trong tâm người ta vốn như thế. Cái tâm cùng với trời đất muôn vật làm một, không phải chỉ là cái tâm của bậc đại-nhân, tâm của kẻ tiểu-nhân cũng đều như thế cả. Chỉ tại kẻ tiểu-nhân tự cho cái tâm ấy nhỏ đi mà thôi. Bởi thế cho nên thấy đứa trẻ con ngã xuống giếng, ắt có lòng băn-khoăn thương xót, thế là lòng nhân cùng với đứa trẻ con làm một thể vậy. Đứa trẻ con còn là đồng loại với mình, chứ ngay thấy chim muông kêu thương đau đớn, ắt có lòng bất nhẫn, thế là lòng nhân cùng với chim muông làm một thể vậy. Chim muông còn là loài có tri-giác, chứ ngay thấy cỏ cây đổ gẫy, ắt có lòng mẫn tuất, thế là lòng nhân cùng với cỏ cây làm một thể vậy. Cỏ cây còn là loài có sinh ý, chứ ngay thấy ngói đá vỡ nát, cũng có lòng đoái tiếc, thế là lòng nhân cùng với ngói đá làm một thể vậy. Như thế thì cái lòng nhân coi trời đất muôn vật làm nhất thể, dẫu kẻ tiểu-nhân cũng phải có. Lòng ấy gốc ở cái mạnh của trời, mà tự-nhiên thiêng-liêng sáng suốt, cho nên gọi là minh-đức. Lòng kẻ tiểu-nhân dầu chia cách, hẹp-hòi, song cái lòng nhân « nhất thể » vẫn không mờ tối. Đó là kể những lúc chưa bị lòng dục làm lay động, lòng tư làm che lấp vậy. Đến khi