một cái lịch-sử cũ đến hai ba nghìn năm, đã chiếm-cứ được một khu-vực riêng ở cái bán-đảo trên bờ-bể Nam-Hải này.
Nhưng cái học-vấn ấy, cái đạo-đức ấy là học-vấn đạo-đức của một thời-đại người nước ta chưa có cái tư-tưởng, cái quan-niệm gì đến thế-giới. Ông cha ta đã đề tạo ra cái Tổ quốc ta, đã chung đúc thành cái quốc hồn ta, không ngờ rằng ngoài nước ta còn có nhiều nước khác, ngoài cái học-vấn đạo-đức của ta còn nhiều cái học-vấn đạo-đức khác nữa, mà có ngày ta không thể không biết được. Ngày ấy nay đã đến. Người nước ta nay đã tỉnh giấc mộng trăm năm mở cái mắt mơ-màng ra mà nhìn cái thế-giới mới. Trông thấy những cảnh-tượng lạ-lùng mà kinh mà sợ. Tưởng mình như người thầy-tu khổ-hạnh ở chốn già-lam mà hốt-nhiên ai đem ra giữa một nơi thành-thị nôn-nao, cho đứng xem một đám cờ-bạc hay một cuộc hội-hè. Trước còn thấy những tiếng xôn-xao dộn-dịp chưa giải ra làm sao, sau nhìn kỹ mới biết rằng cái xôn-xao dộn-dịp ấy là cái biểu-diện sự hoạt-động của loài người-ta trong thế-giới bây giờ. Sống ở trong thời-đại này tất phải có một phần trong sự hoạt-động ấy. Muốn có một phần trong sự hoạt-động ấy, tất phải biết cái cơ-quan nó thế nào. Muốn biết cái cơ-quan nó thế nào, tất phải biết cái nguyên-lý, biết cái cỗi-dễ nó, vậy thì tất phải nghiên-cứu cái học-thuật của các nước văn-minh bên Thái-Tây, là những nước chủ-động trong thế-giới bây giờ.
Nhưng phải nên nghiên-cứu ra làm sao ? Đó là cái vấn-đề mà bọn thượng-lưu trí-thức trong nước ta phải giải-quyết. Cái vấn-đề ấy rất quan-trọng, vì-giải quyết vấn-đề ấy tức là định cái thái-độ người nước ta đối với cái văn-minh học-thuật mới, cùng đối với đại-quốc đã đảm-nhận cái trách nhớn-nhao đem ban-bố cái văn-minh học-thuật ấy trong cõi Việt-Nam này để đưa rắt dân ta lên đường tiến-bộ.
Cái vấn-đề ấy xem như bọn thượng-lưu trí-thức trong nước chưa từng lưu-tâm đến lắm. Bởi thế cho nên dân ta theo đòi tây-học đã ba bốn mươi năm nay mà trong tân-học giới hãy còn vắng-vẻ như không. Về đường phổ-thông thì cũng có tiến-bộ một đôi chút, nhưng về mặt cao-đẳng thì xem ra chậm-chạp quá chừng. Đến như cựu-học giới thì bởi thời thế mỗi ngày một eo-hẹp mãi đi. Một mai rồi cũng mai-một đi mất. Đến bấy giờ thì cái công-phu bồi-dưỡng quốc-hồn phó mặc cho ai ?
Hiện nay cái công-phu ấy đã trễ-nải lắm rồi; quốc-dân đã sụt xuống mấy bậc trên cái thang đạo-đức, mà cái thang trí thức cũng chưa từng thấy bước lên được bước nào. Phong-tục đã thấy suy-vi, nhân-tình đã thấy kiêu-bạc. Đã hay rằng cái buổi này là buổi giao-thời, cái nền-nếp cũ đã mất mà cái nền-nếp mới chưa thành, nhưng nếu không vượt qua buổi này cho an-toàn chót-lọt thì cái tương-lai ra làm sao ?
Mấy anh em đồng-chí chúng tôi băn-khoăn về cái vấn-đề ấy, mới mở ra tập báo này để cùng với các bực trí-thức trong nước tìm cách giải-quyết cho an-thỏa.
Chúng tôi thiết-tưởng rằng đương buổi bây giờ không gì cần-cấp bằng gây lấy một cái cao-đẳng học-thức mới để thay vào cái học thức cũ đã gần mất. Vì một dân một nước không thể giây phút bỏ qua được một cái phương-trâm thích-đáng về đường trí-thức, về đường đạo-đức, mà cái phương-trâm ấy phi tìm ở một cái cao-đẳng học-thức thì không đâu thấy được. Muốn gây lấy một cái học-thức như thế thì chúng tôi lại thiết-tưởng rằng không gì bằng khéo điều-hòa dung-hợp cái học cũ của ta với cái học mới thời nay.