Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/126

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 126 —

Đạo-Hạnh mừng nói rằng:

— Phép ta hơn Đại-Điên nhiều rồi!

Đạo-Hạnh mới dùng phép tàng-hình đến thẳng chỗ Đại-Điên ngồi chơi, bảo rằng:

— Mày có nhớ việc ngày trước không?

Đại-Điên ngẩng đầu lên trông, không thấy gì, Đạo-Hạnh cầm gậy đánh, Đại-Điên vì thế thành bệnh mà chết.

Đạo-Hạnh báo xong thù rồi, từ bấy giờ tan hết oán cũ, sạch nhẵn lòng trần, mới đi chơi khắp nơi rừng núi, hỏi tìm ấn chứng. Nghe có Kiều-tri-Huyền tinh thông đạo phép, đến hầu tận nơi, hỏi thế nào là chân-tâm.

Có câu kệ rằng:

Lâu nay vẫn đám hồng trần,
Vàng còn chẳng biết, biết chân-tâm nào!
Xin cho trỏ bảo làm sao?
Cho tìm thấy rõ kẻo nao lòng người.

Kiều-tri-Huyền cũng đọc một câu kệ đáp lại rằng:

Năm-âm bi quyết là vàng,
Trông ra đầy mắt rõ ràng thuyền-tâm.
Bồ-đề đạo phật u-thâm,
Muốn tìm tới đó muôn tầm chẳng xa!

Đạo-Hạnh thấy câu kệ như vậy, chưa hiểu ý tứ ra làm sao, mới đến hỏi ông Pháp-Phạm Sùng-Vân rằng:

— Thưa ông thế nào gọi là chân-tâm?

Sùng-Vân nói:

— Cái gì chẳng phải là chân-tâm?

Đạo-Hạnh bấy giờ mới tỉnh ra, lạy từ ông ấy rồi trở về. Tự bấy giờ pháp lực lại càng tấn tới, nội là rắn độc trong núi, hùm dữ trên rừng, cũng có phép sai khiến được cả.

Có một thầy tăng nói rằng:

— Khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, đó là phật-tâm.

Đạo-Hạnh đọc câu kệ rằng:

Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Thử xem bóng nguyệt dòng sông.
Ai hay không có, có không là gì?