Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/114

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 114 —

Lê Thái công tiên tổ tích đức đã ba đời, đến đời Lê Thái-công cũng hay làm phúc. Ngoài 40 tuổi, sinh được một người con giai. Cách năm sau, Thái-bà có mang được vài tháng thì phải bệnh, ưa những đồ hương hoa, người nhà cho là ma làm, mời thầy phù-thủy cúng cấp mà bênh lại nặng thêm.

Đến đêm hôm trung-thu có người xin vào chữa bệnh cho Thái-bà. Thái-công mời vào, người ấy cầm cái búa ngọc, lên đàn niệm câu thần-trú, rồi ném búa xuống đất. Thái-công ngồi cạnh ngã ngay xuống mơ mơ màng màng, thấy có hai người lực-sĩ đưa đi Đường đi khuất khúc, đến một nơi nhà vàng cửa ngọc, lực-sĩ đưa đi qua chín từng cửa, rồi đến chốn cung đường, thì đứng lại ở dưới hè. Trông lên trên thấy có một vì áo mũ đường hoàng, hai bên văn võ cầm hốt đứng chầu, nghi vệ rất thịnh. Sực có một người con gái mặc áo đỏ, bâng chén ngọc dâng rượu thọ, nhỡ tay rơi chén, sứt mất một góc. Tả-ban có một viên mở ngay sổ ra biên vài chữ, rồi thấy hai người sứ-giả và vài chục người thị nữ xúm lại dắt nàng mặc áo đỏ tự cửa nam đi ra. Mé trước có một cái biển vàng, trên có hai chữ « Sắc-giáng », giữa có hai chữ « Nam nam », còn các khoản dưới thì mập mờ không rõ

Thái-công hỏi người lực sĩ rằng:

— Đó là việc gì thế?

Lực-sĩ nói:

— Đây là bà tiên-chúa thứ hai tên là Quỳnh-hoa, chuyến này chắc là phải đầy xuống trần.

Nói đoạn, lực-sĩ đưa Thái-công về đến nhà thì tỉnh dậy, mà Thái-bà đã sinh ra một người con gái, nhân thế đặt tên là Giáng-tiên.

Khi nàng Giáng-tiên nhớn lên, nhan sắc lạ thường, Thái-công cho ở tĩnh một nhà học hành. Nàng ấy thông minh, mà lại tài nghề âm-nhạc. Thường làm ra ca từ bốn mùa, lựa vào khúc đàn để chơi.

xuân từ. (điệu xuân quang hảo)

Cảnh như vẽ, khéo ai bày? Hoa đào mỉm miệng liễu giương mày. Bướm nhởn bay, oanh vàng líu lo trong bụi, én đỏ ríu rít trên cây. Buồng xuân dìu dặt mối tình ngây, đề thơ này!

hạ từ. (điệu cách phố liên)

Giời đất nhiều phần nóng nẫu. Đầu cành rức giọng ve, bãi cỏ vang tiếng chẫu; vò võ quốc kêu sầu, eo éo canh hót ngẫu,