Lý-trưởng là người làng cử ra để làm môi-giới cho chính[1]–phủ với dân làng.
Lý-trưởng phải giữ triện[2], giữ các công-văn, địa-bộ, các sổ thuế của làng. Tất cả các giấy-má sổ sách ấy phải ghi vào trong một quyển sổ. Sổ ấy, khi lý-trưởng cũ cùng lý-trưởng mới bàn-giao, thì hai bên phải ký tên vào. Nếu người lý-trưởng cũ mệnh-một, thì người lý-trưởng mới phải ký nhận cùng hai người làm chứng là người trong họ người lý-trưởng cũ, và hai người làm chứng lấy trong các viên hương-hội. Lý-trưởng phải coi riêng về việc thu thuế của Nhà-nước cùng việc nộp thuế ấy lên kho bạc. Lý-trưởng phải coi việc thi-hành các luật-lệ,các nghị-định của Nhà-nước, cùng việc làm các giấy-má của các quan trên sức làm và chứng-nhận các đơn-từ.
Lý-trưởng phải truy tầm các trọng tội và khinh tội. Lý-trưởng phải coi việc tuần-phòng trong xã, việc vệ-sinh và coi phó-lý làm việc. Lý-trưởng phải trông nom[3] các đường bộ, đường thủy, phải coi các đường sắt, cầu cống, đường dây thép, dây nói; trừ ra khi làng cử một người coi riêng về việc ấy, thì lý-trưởng mới không phải làm. Lý-trưởng được lĩnh một số tiền bút-chỉ của làng cấp cho. Phàm khi có giấy-má gì, thì lý-trưởng phải nhận thực, mà không được đòi tiền-nong gì sốt. Làm việc được sáu năm thì được thưởng hàm tùng-cửu-phẩm văn-giai, rồi lên đến chánh-bát-phẩm là chỉ-hàm.
Việc tuần-phòng trong làng thì do phó-lý, trương-tuần hay xã-đoàn, và các tuần-tráng trông nom[3].
Toát yếu. — Chánh phó lý là người của dân cử ra làm việc làng. Lý-trưởng phải giữ các công-văn, địa-bộ, triện cùng các sổ sách. Lý-trưởng phải thu thuế, nộp thuế, coi việc thi-hành luật-lệ và nghị-định của Nhà-nước, làm các giấy của quan trên sức làm và chứng-nhận đơn-từ.