Một hôm, nhà hiền-triết ấy mời khách lại ăn. Có người hỏi: « Hôm nay ông mời những quí khách, mà sao đồ ăn lại xoàng (thường) như thế? — Ông nói rằng: Nếu khách tôi mời là người có tiết-độ, thì ăn như thế này cũng đủ, nếu là người phàm ăn, thì tôi mời đến ăn, cũng đã là quá rồi ».
Giải nghĩa. — Tiêu hóa = nói đồ ăn uống vào bụng, rồi biến ra chất khác. — Mục-đích = đích con mắt mình ngắm vào, nghĩa là chủ ý của mình định làm thế nào. — Hiền-triết = nhà học thức rộng-rãi và có đức hạnh cao.
Câu hỏi. — Muốn được khỏe mạnh, thì phải ăn uống thế nào? — Ăn uống không có điều-độ thì sinh ra thế nào? — Có người phàn-nàn gì với nhà hiền-triết? — Nhà hiền-triết đáp lại thế nào? — Một hôm nhà hiền-triết mời khách lại ăn, có người bảo thế nào? — Nhà hiền triết đáp làm sao? — Ý câu cuối cùng là thế nào?
Cách-ngôn. — Miếng ăn là miếng xấu.
28. — Nghiện rượu.
Người rượu-chè là người vô-dụng cho xã-hội. Thật thế, người ta bao giờ cũng cần đến cái thân-thể khỏe mạnh, cái trí-tuệ minh-mẫn để làm công kia việc nọ; trước là để lập thân, sau là để báo đền cho nhà cho nước, khiến cho khỏi xấu cái tiếng làm trai ở đời. Thế mà ai đã đa-mang vào rượu-chè, thì không những là trí-tuệ kém đi, mà đến thân thể cũng hao-tổn, làm gì cũng không được. Những người rượu-chè thì cả đời chỉ đeo nặng cái thân vô-dụng và làm cái gương xấu cho loài người.
Rượu là một vị thuốc độc. Không những nó làm hại cho một người mắc nghiện mà thôi, nó làm hại lây đến cả con cái, nòi giống mình nữa. Những người nghiện rượu thì con cái hay ốm yếu, ngu-si. Bởi vậy, các nước bên Âu-châu, người ta tìm cách trừ bỏ các thứ rượu mạnh. Ta cũng nên bắt-chước người ta mà chừa bớt sự uống rượu, để giữ lấy nhân-phẩm của mình và cho khỏi hại đến nòi-giống nhà mình.