Trang:Luan ly giao khoa thu - So dang.pdf/112

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 110 —

Khi tế, đại-để phải có người chủ-tế, hai người bồi-bái, hai người đông-xướng tây-xướng, một người đọc chúc, và mươi mười hai người chấp-sự.

Người đi tế có mũ áo riêng, và đi hia. Lúc tế có chuông, trống, bát-âm.

Giải nghĩa.Tuần-tiết = ngày sóc-vọng và tết nhất. — Thần-húy = ngày thần hóa. — Thần-đản = ngày thần giáng sinh.

Câu hỏi. — Ở đình, miếu, các ngày tuần-tiết người ta làm gì? — Các ngày húy, ngày đản, và xuân thu nhị kỳ người ta làm gì? — Tế phải có những ai? — Kể công việc của mỗi người.



3. — Các ngày tế-lễ trong làng.

Tế văn-chỉ hay văn-từ. — Làng nào cũng có thờ Thành-hoàng mà ở Bắc-kỳ và vùng Thanh Nghệ lại còn thờ đức Khổng-phu-tử là người sáng-lập ra đạo Nho, cùng những người có khoa-hoạn trong làng. Người ta thờ tại văn-chỉ hay văn-từ. Đàn lộ-thiên thì gọi[1] là văn-chỉ, đàn có lợp mái thì gọi[1] là văn-từ.

Lệ cứ mỗi năm tế hai kỳ, về tháng hai, tháng tám, nên gọi là xuân thu nhị kỳ. Có nơi cả làng tế, có nơi chỉ những người có chân hội tư-văn mới được tế mà thôi.

Lễ Phật. — Trong làng, lại có chùa thờ Phật. Trong chùa có các sư nam, gọi[1] là tăng, hay các sư nữ, gọi là ni. Những ngày sóc vọng, thượng-nguyên, trung-nguyên, hạ-nguyên, ngày đản Phật, ngày giỗ Tổ cùng những ngày tết nhất ở chùa, đều có cúng bái cả.

Lễ Thượng-điền, Hạ-điền. — Những làng lắm ruộng nương, thường làm lễ Thượng-điền và Hạ-điền. Lễ này có làng chỉ lễ thần, có làng chỉ lễ Thần-nông. Tục thường kén một ông bô lão[2], vợ chồng song toàn, trai gái đề-huề, xuống cầy vài khóm (bụt) mạ trước, rồi sau cả xã mới cấy theo.


  1. a ă â kêu
  2. ông già có danh vọng