Quí-Nhi nói:
— Tiểu-sinh mới rồi thừa mệnh Lam đại-vương, nên phải miễn-cưỡng làm cho tắc-trách, chớ có thành ra thơ đâu. Nay ở trước mặt mĩ-nhân, tiểu-sinh đâu dám múa bút.
Mĩ-nhân nói:
— Những thơ chàng vịnh, Lam tiểu-thư đã khen ngợi là hay, sao nay chàng lại nói khiêm quá làm vậy.
Quí-Nhi thấy nàng cầu-khẩn nói xin vịnh thơ cho được. bất-đắc-dĩ phải ngâm một bài rằng:
Cành hoa mơn-mởn khóa vườn xuân,
Ủ-dột mày ngài tủi tấm thân!
Mấy kẻ biết lòng ân-hận ấy,
Còn đem bỡn cợt với câu văn.
Mĩ-nhân nghe thơ mỉm cười mà rằng:
— Tôi nghe Lam đại-vương vẫn yêu cái tài-học của chàng, dẫu bây giờ bị giam cấm, chẳng qua là một lúc đó thôi, rồi thế nào cũng được trọng-dụng, việc chi mà phải oán-hận làm vậy. Tôi nghĩ rằng cách làm thơ tuy có giọng bi-ai, nhưng không nên thương quá. Nay chàng xúc-cảnh sinh-tình, lời thơ dẫu là hay thật, nhưng vẫn quá về tình ai-oán. Tôi xin đọc trình một bài thơ giọng hòa nhã. để giải bụng lo phiền cho chàng, nên chăng?
Quí-Nhi vội vàng nói mà thưa rằng:
— Lời kim ngọc của mĩ-nhân đã dạy cho, tiểu-sinh này xin ghi lòng tạc dạ. Dám xin mĩ-nhân chớ tiếc lời vàng, đọc thơ lên cho nghe nào.
Mĩ nhân sẽ dặng tiếng oanh vàng đọc lên rằng:
Anh lan em huệ mối tình liên,
Dắt-díu đôi ta sẵn túc-duyên.
Kết dải đồng-tâm ai ví được?
Kìa hoa tịnh-đế có hoa sen.
Quí-Nhi nghe rồi ngậm-ngùi mà rằng:
— Bài thơ đó tỉ-hứng tuyệt khéo, từ-ý hàm-súc sâu xa, không phải mĩ-nhân thì không ai làm ra được; tiểu-sinh này còn kém xa lắm.