Trang:Linh Nam dat su 1.pdf/58

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 56 —

A-Man nói:

— Cũng có người đến làm thơ, song đều không vừa ý công-tử tôi cả.

Phùng-Ngọc nói:

— Tiểu-sinh muốn làm có được không?

A-Man nói:

— Chỉ sợ tướng-công không biết làm thơ, nếu làm được ra thời hẳn là được tặng kiếm này chớ chẳng sai.

Phùng-Ngọc cả mừng, liền gọi Hoàng-Thông đem nghiên bút lại, A-Man ngăn lại mà rằng:

— Tướng-công hãy khoan để tôi nói một điều này đã.

Phùng-Ngọc nói:

— Còn có điều chi nữa?

A-Man nói:

— Công tử tôi trước vẫn phó mặc cho ai muốn làm thơ thời làm, sau có mấy người không biết ở đâu đi sao nhặt được bài cũ của người khác, đem đến chực đánh lộn sòng, phải công tử tôi mời vào nhà trong diện-thí, thời nửa ngày không nặn ra được một chữ, công-tử tôi mới than rằng: « Bảo-kiếm này cốt để tặng cho người tài-tử chân-chính, nếu lầm phải người dốt đặc thời chả hoài lắm ru! » Song ngư-mục hỗn-châu, chân-tài khó biện, cho nên công-tử tôi lại nghĩ ra được một kế là làm thơ thời phải bản-điếm hạn vần cho mà làm ngay trước mặt, làm xong thời viết lên trên tấm vóc kia, chân, thảo, triện, lệ, tùy người làm thơ muốn viết lối nào thời viết. Nhưng phải thơ cho hay chữ cho tốt mới được. Tôi sẽ đem trình công-tử tôi xem, nếu công-tử tôi cho là được, bấy giờ sẽ mời thi-nhân vào nhà trong thử thơ một lần nữa nếu hẳn là bậc tài-tử vườn Nam, văn hay chữ tốt. thời mới được tặng kiếm này. Tướng-công muốn làm thơ để tôi xin đem vần ra.

Phùng-Ngọc nói:

— Thế thời càng hay...!

A-Man liền bước vào cầm ra một cái bình bạc cao hơn một thước, có một đôi đũa ngọc cắm ở trong bình, sau lưng lại có một tên hắc nô cầm theo ra một bức vóc nền vàng và các đồ văn-phòng tứ-bảo đặt lên trên án, tên hắc-nô bèn đứng mài mực, A-Man trỏ cái bình bạc mà rằng: