Lấy tình thâm, trả ngãi thâm,
bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
Hại một người cứu muôn người,
biết đàng khinh trọng, biết lời phải chăng.
Thửa công đức ấy ai bằng?
túc khiên đã rữa rưng-rưng sạch rồi.
Khi nên trời cũng chìu người,
nhẹ-nhàng nợ trước, đền-bồi ơn sau.
Giác-duyên dầu nhớ nghĩa nhau,
Tiền-đường thả một vi lau[1] rước người.
Bà Giác-duyên nghe lời tiên-tri bà Giác-sư đã nói trước nên đã tới che lều ở đó sớm tối mướn chài, chài lên chài xuống hoài, khi ấy mới chài được Túy-Kiều vớt lên đem về am nuôi.
Trước sau cho vẹn một lời,
duyên ta mà cũng phước trời chi không.
Giác-duyên nghe nói mầng lòng,
lân-la tìm thú bên sông Tiền-đường.
Đánh tranh nhóm nóc thảo đường,[2]
một gian nước biếc, mây vàng chia đôi.[3]
Mướn năm ngư-phủ hai người,
đóng thuyền chực bến, kết chài giăng sông.
Một lòng chẳng quản mấy công,
khéo trong gặp-gỡ, cũng trong chuyển-vần.[4]