Trang:Giai nhan di mac 2.pdf/9

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 47 —

Xuân-Hương vịnh xong, trông ra bốn mặt khói tỏa mây phong, giời cao núi thẳm, không biết cùng ai mà tả khúc niềm tây, nghĩ đi nghĩ lại, càng thêm buồn bã, giá mình cứ ở mãi chốn sầm-tịch này, thì dẫu thỉnh thoảng có câu văn thơ nào hay, cũng không biết đọc cho ai nghe. Mà xin thí phát thụ giới thì bà sư-già mãi không cho, xem ý sư-già ra chiều e rằng mình không chắc có tu được chăng, chả nhẽ mình ở mãi đây, thì bao giờ cho trọn đạo tu hành, bởi vậy mới từ sư-già đi vào dạo chơi sơn thủy trong vùng Thanh-hóa.

Khi đi đường trèo đèo lặn suối, quán nọ đồi kia, tới huyện Kim-bảng, qua núi kẽm Trống, đó là nơi giáp giới tỉnh Ninh-bình với tỉnh Thanh, đôi bên có hai trái núi mọc ken lại với nhau, ở giữa có một khe nước; giọt nước trên khe đá rơi xuống lõm bõm cả ngày; lại có một con đường nhỏ đi lỏn vào giữa kẽm núi, len lỏn hẹp hòi, vậy người ta mới gọi là kẽm Trống. Khi Xuân-Hương qua đó thấy sơn thủy hữu tình, có đề thơ rằng:

Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là kẽm Trống không?
Gió đập cành cây khua lắc cắc,
Sóng giồn mặt nước vỗ long bong.