Qua Tứ xuyên, sang Tây-tạng, quay đến Ấn-độ, xem núi Himalaya (喜 馬 拉 山). Từ chân núi lên đến đỉnh, từng lớp trông khác nhau. Cứ quan Bác-sĩ nói rõ rằng: « chân núi nhiều rừng to; từ khoảng 7000 đến 12000 thước Anh thời không có cây nhớn; lại lên đến 15000 thước, chỉ có rêu; lên nữa thời bốn mùa đều băng tuyết cả. » Thật đáng là một ngọn núi cao nhất trong thế-gian. Người Thái-tây có nói rằng: « Người Ấn-độ sinh trưởng ở dưới bóng núi ấy, đời đời trông thấy cái cảnh-tượng cao nhớn, in vào trí-thức trong óc, cho nên sinh được nhiều cái cảm-tưởng cao nhớn, như đạo Phật, đạo Bà-la-môn. » Giang sơn có hệ đến nhân vật, đông tây có nói cả. Sách Nho nói về nghĩa chung-đúc, thời lấy về bên khí; người tây nói về nghĩa quan cảm, thời lấy về bên tượng. Mỗi đằng đều có một nhẽ riêng. Nhưng đem thi vào trong trường thi triết-học thời câu nói người tây-dương có lẽ hơn.
Xứ Ấn-độ, tại thành Agra, có một cái đền Taj-mahal là cái lăng của một bà vợ một ông vua Ấn-độ về, quãng đời thứ 16. Đền toàn xây bằng đá hoa trắng, trong trạm lồng, dát kim-cương ngọc-thạch các sắc. Người ở đấy nói rằng: « Đêm sáng giăng thời thật là cái cảnh đẹp có một. » Đêm hôm ấy, ước vào ngày 19 trong tháng lịch âm, đeo kính giăng mà ra chơi. Giá chưa biết đấy là cái đền Taj-mahal của một bà vợ vua nước Ấn-độ, thời có nhẽ tự ngờ mình là ông vua Minh-hoàng bên Tàu đi chơi cung Quảng-hàn. Vào trong đền mà xem, tưởng như bao các vì định-tinh trong bầu giời cùng nhau hội họp trong một cái nhà bé nhỏ ấy. Bước chân từ trong đền ra, một lúc lâu, giăng lên, bỏ kính đi, bầu giời quang sáng, mặt đá lóng-lánh, cảnh-sắc càng đáng yêu; hoảng như khi còn ở nhà được xem, ở dưới lòng nước sâu, cái bóng người con gái 18 tuổi rất trắng đẹp, đêm, tay đeo toàn đồ vàng, cầm đuốc sáng đứng ngang trên bờ ao. Nay đem cái đền này mà xem