gọi có thể cách người Thái-tây. Khi tôi còn ở nhà, hình trạng trong nước độ như thế; đến đầu năm 1916, sang bên Pháp để làm ăn và du học, mới rồi có thư riêng ở bản-quốc gửi sang, nghe nói sự tiến-hóa lại có hơn.
— Dân-tục bên ấy thế nào?
— Bẩm: dân-tục bên An-nam tôi thời còn nhiều cái mọi rợ lắm! Ngay như một sự chế đồ giấy mã làm hình người và tiền của để đốt cúng, là truyền từ ở nước Tàu sang, đến nay thành một cái hại nhớn ở trong nước. Các đàn bà quê dại gặp một sự gì cũng bói, thầy bói lắm đứa thông nhau với thầy cúng, xui ra đồng cốt cúng cấp luôn luôn, mỗi năm làm phí tổn cho dân ngu không biết mấy nghìn vạn. Còn như lệ ăn uống, nết kiện cáo, sự cả lẽ, thói chửi rủa, không thể kể cho xiết.
— Thế còn một việc học thế nào?
— Bẩm: An-nam tôi từ khi trước năm đầu lịch tây, đã có chữ Tàu truyền sang; luân-lý tẩm-bổ thực có nhiều công-phu, mà học-thức tư-tưởng chưa khá mấy. Nay nhà nước Pháp muốn mở rộng đường tây-học. hiện các nhà học dạy chữ Pháp và theo dùng cách-thức mới, tỉnh nào cũng có cả. Nhưng sự đó còn đương ở trong lúc canh-trương, vả cũng khó biết hơn, cho nên chưa dám thưa hẳn rõ
— Sự học của An-nam, sau này có nhẽ rồi khá lắm. Nho giáo truyền sang đã hai ngàn năm nay, nay lại được nước Pháp đem cái tư-tưởng Âu-châu sang hợp vào, thời xem như động-vật-học; giống lừa ở Mĩ-châu hợp với giống ngựa ở Âu-châu, sản loại sinh ra lại tốt hơn giống nguyên.
— Bẩm: tôi tưởng cái ao bé thời con cá không nhớn được đến đâu, mặt đất có bấy nhiêu thời khí-lực của giang sơn có hạn; nếu ông Montesquieu (孟 德 斯 鳩) bên nước Pháp, ông Charles Robert Darwin (達 爾 文) bên nước Anh mà sinh vào An-nam, chắc cũng không được có cái học-thức như thế.