năm lạc phách, số Ngu-Phiền chưa khỏi tuần đen; trăm mối thương tâm, tóc Phan-Nhạc đã pha sợi bạc; nằm suông đất khách, ở lâu thêm lắm chuyện bực mình; chạy khắp chân trời tìm mãi đã ai người biết bụng; Mộng-hà tiễn bạn đi, lòng vẫn lấy sự không được cùng đi làm ân hận; đọc thơ chàng đủ rõ lòng chàng đau đớn thế-nào. Vì thế mà ngay khi tiễn biệt, tình cảnh đã buồn; sau lúc phân kỳ, ruột gan càng rối; thế nhưng Thạch-si đi đã đi rồi, nghìn dậm xa xôi, lòng Mộng-hà, chàng biết thế nào được; biết chăng họa có Lê-nương đó thôi.
Mộng-hà uống rượu với bạn, cách đêm không về. Nàng lấy làm lạ sau hỏi thằng nhỏ mới biết. Nàng tuy là gái cấm cung song vẫn nghe tiếng Thạch-si và biết chàng là người học vấn nết na, so với Mộng-hà hơn kém nhau không mấy. Tuy vậy, nói về khí khái ngang tàng, tính tình chín chắn thì chàng còn thua Mộng-hà một bậc, ai ngờ số tốt số xấu, cảnh thuận cảnh nghịch thì đôi bên lại xa nhau một vực một trời; bên thì bay liệng sánh bầy loan phượng, bên thì long đong như chúa đười ươi, so sánh mà coi, không thể không kêu oan cho Mộng-hà được. Hôm ấy nàng có viết cho Mộng-hà một bức thư, khuyên chàng nên bỏ cách sinh nhai, tìm đường tiến thủ: « ... Lấy tài ông anh mà cứ chịu mai một thế này, thật là đáng tiếc; chi bằng nhân dịp ra ngoài du học, tốn công trong vài năm, để tìm đường mở mày mở mặt về sau... » Lại còn có mấy câu nói rằng: « Nếu số lộ-phí, học-phí mà còn thiếu thốn ít nhiều thì thế nào cũng xin thu xếp được »... Chàng xem thư trong lòng cảm động lắm: tự nghĩ cha chết anh đi, cảnh nhà dấp mãi, dù muốn du học làm gì sẵn tiền; chí khí tầy trời, cơn gấp khúc cũng đành xếp xó. Hôm ấy tiễn Thạch-si đi, cũng muốn được cùng bạn cùng ra ngoài du học, thế nhưng « chim lồng hồ dễ cất mình bay cao ». Biết nhau như Thạch-si, cũng còn chưa được một lời yên-úy cho nhau, thế mà một người con gái yếu ớt như ai, lại sẵn bụng liên-tài muốn giúp tiền học-phí; con mắt tinh đời, tấm lòng nghĩa hiệp, đáng yêu đáng kính biết bao. Bởi