DẪN TRUYỆN. — A. — Phố phủ Vĩnh-Tường cũ, một nhà giầu có một người nàng dâu, thân-phận cũng ngang cùng đứa ở mà chịu bề nghiêm-nhặt lại phần hơn; bà chồng càng cay nghiệt một cách lạ. Người nàng dâu cũng siêng-năng giỏi-giang, hỏi ra, chỉ tội vì khi cưới làm tốn 300 bạc.
B. — Vùng rừng có một làng, xưa nay ít người làm đến chánh, phó-tổng, cho nên người làng lấy sự danh-phận trong hàng tổng làm thèm. Một nhà có con gái, gả lẽ cho một ông quan trong hàng tổng ở làng khác, cũng là một sự nhờ danh-giá. Nhưng nguyên sự lấy lẽ của nhà chồng, chỉ là cần người làm mà muốn đỡ công giả. Cho nên, khi cầy cấy, ngày mùa-màng, người vợ lẽ ấy ở nhà chồng; đến ngày ba tháng tám, công việc ngoài đồng không có mà cái ăn coi trọng thời người đi lấy lẽ lại về ở nhà mình. Nước đời như thế mà kẻ tham vẫn tham.
33. — ĐỐI VỚI CON
5° — Ở với con chồng, con vợ lẽ.
Có đẻ có thương, cái đó đã đành; còn như không đẻ mà là con thời bụng thương cũng hơi khó. Bởi thế, thế-gian có câu rằng: « Mấy đời bánh đúc có xương! »
Câu nói đó là thương nỗi thói đời ghẻ-lạnh, làm cho nghe thấy mà buồn. Nay cứ theo đạo thường nhẽ phải của loài người mà nói: Đã làm con mà có mẹ, không cứ mẹ ghẻ hay mẹ già, ở với mẹ nào cũng phải hiếu; đã làm mẹ mà có con, không cứ con chồng, con vợ lẽ, ở với con nào cũng nên nhân. Quả mai kia dẫu có khác cành, nhưng khí-mạch cùng chung một gốc; nếu lấy cành kia đập quả nọ, không những đang tay là quá, mà sao cho mát ruột cội mai già! Người đàn bà có nghĩa vì chồng mà nuôi con, hoặc làm mẹ già mà có con vợ lẽ, hoặc làm mẹ ghẻ mà có con chồng, đều nên rủ một lòng thương, chẳng