Trang:DaiVietsukytoanthu2.pdf/74

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
80
NGO SI LIÊN

Tùy đổi là quận. — Ngay tháng ấy, quân tới cửa biển. Tháng ba, vua Lâm-Ấp là Phạm-Chí sai quân giữ các nơi hiểm yếu. Lưu-Phương đánh đuổi được chúng, quân vượt qua sông Đồ-Lê[1]. Quân Lâm Ấp cưỡi voi lớn, bốn mặt xúm đến. Phương đánh không lợi. Bèn đào nhiều hố nhỏ, phủ cỏ lên trên, rồi đem quân trên đánh. Khi giáp trận vờ thua chạy. Người Lâm-Ấp đuổi theo. Voi phần nhiều sa hố vấp ngã, cùng nhau sợ hãi, quân liền rối loạn, Phương đem nỏ bắn. Voi chạy trở lại. giầy xéo lên trận bên mình. Bèn cho quân bắn súng[2] đánh tiếp theo. Quân Lâm-Ấp cả thua, bị bắt, bị chém, kể hàng vạn. Phương tiến lên đuổi theo, luôn mấy trận đều được. Qua đồng-trụ của Mã-Viện, từ đó sang Nam tám ngày thì tới đô thành nước họ[1]. Mùa hè, tháng tư, Phạm-Chí bỏ thành chạy vào biển. Phương vào thành, bắt được mười tám tấm thần chủ thờ trong miếu, đều đúc bằng vàng tức là làm vua đã mười tám đời. Phương khắc bia đá ghi công rồi trở về. Quân lính sưng chân mười phần chết đến bốn, năm. Phương cũng mắc Bệnh chết ở giữa đường.[3]

Sử thần Ngô-sĩ-Liên bàn rằng:

Lâm-Ấp tự rước lấy sự bạt-vong, cũng là có cớ. Từ đời Phạm-Hồ-Đạt đánh hãm


  1. a ă « Hoan-châu: ở đời Hùng-vương là bộ Hoài-Hoan; sang Tần, thuộc Tượng-quận, sang Hán thuộc quận Nhật-Nam; Lương đổi là Đức-châu; sang Tùy đời Khai-Hoàng đổi là Hoan-châu; đời Đại nghiệp đổi là Nhật Nam; sang Đường đời Trinh-Quán lại đặt là Hoan-châu; Đinh, Lê theo tên ấy; Lý đổi là châu Nghệ an; Trần đổi là trấn Lâm Giang; thuộc Minh là hai phủ Nghệ-an, Diễn châu; về Hậu-Lê, đời Quang-Thuận đặt ra Nghệ-an thừa-tuyên; nay thì là tỉnh Nghệ-an. Sông Đồ-Lê, sách Thông giám tập-lãm chua là ở phía bắc nước Chiêm Thành nay chưa rõ đích chỗ nào.— Kinh-đô Lâm-ấp: nay xét trong tỉnh Quảng-Bình về xã Trung-Ái huyện Bình-Chính cùng xã Uẩn-Áo huyện Lệ-Thủy, trong tỉnh Thừa-Thiên về xã Nguyệt Biền huyện Hương-Thủy, xã Thành-Trung huyện Quảng-Điền; trong tỉnh Quảng-Nam về xã Thăng-Bình huyện Diên-Phúc; trong tỉnh Bình-Định hai thôn Nam-An. Bắc-Thuận huyện Tuy-Viễn đều có thành cũ của vua Chiêm. Không rõ kinh-đô chính ở đâu. » (K.Đ V.S.)
  2. K.Đ.V.S. (cuốn IV) theo sử Cương Mục tầu chép là: « quân tinh nhuệ » (chữ ​« nhuệ » và chữ « súng » chỉ sai nhau có hai nét. Xét ra người phương Đông biết dùng súng bắt đầu từ đời Hồ-Nguyên-Trừng con Hồ-Quý-Ly. Về đời này có lẽ chưa có (quân bắn súng. Vậy nên theo K.Đ.V.S.
  3. Lời phê của vua T.Đ: « Binh là đồ gở, thánh nhân cực chẳng đã mới dùng nó, là để trừ loạn yên dân. Đâu có lẽ tham của, cầu lợi, mong thỏa lòng muốn của mình, mà khiến cho dân tàn, nước bại, chẳng chút đoái hoài, thế là bụng-dạ ra sao vậy? « Muôn xương khô góp nên công tướng! » còn chẳng đáng kể... nữa là tướng lại không thoát, mà nước cũng mất theo!... Thực đáng là một chuyện răn đời thấm thía về sự dùng quá, dùng nhàm võ bị vậy! » (K.Đ.V.S.)