3. Định kỳ 03 năm, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội.
4. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán hằng năm đối với báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội.
5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Mục 2
ĐẦU TƯ QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI
Điều 121. Nguyên tắc đầu tư
1. Hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, bền vững và hiệu quả.
2. Đa dạng hóa danh mục đầu tư, cơ cấu và phương thức đầu tư phù hợp với năng lực và cơ sở vật chất của tổ chức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn.
3. Hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội thực hiện theo chiến lược đầu tư dài hạn và phương án đầu tư hằng năm.
Điều 122. Danh mục đầu tư và phương thức đầu tư
1. Danh mục đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại thị trường trong nước bao gồm:
a) Công cụ nợ của Chính phủ, bao gồm trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà nước, công trái xây dựng Tổ quốc;
b) Trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
c) Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt;
d) Trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt.
2. Đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại thị trường quốc tế là trái phiếu Chính phủ.
3. Phương thức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm tự đầu tư, ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước, thị trường quốc tế.