Trang:Cong bao Chinh phu 983 984 nam 2024.pdf/74

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
75
CÔNG BÁO/Số 983 + 984/Ngày 25-8-2024


2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

3. Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Điều 6. Biểu tượng của Thủ đô

Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Điều 7. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô

1. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô được tặng cho người nước ngoài có đóng góp đặc biệt trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô hoặc trong việc thiết lập, mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.

2. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định điều kiện, thủ tục tặng, thu hồi danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương II
TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Điều 8. Tổ chức chính quyền đô thị

1. Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Thành phố), huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước, được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.

Điều 9. Hội đồng nhân dân Thành phố

1. Thành phố được bầu 125 đại biểu Hội đồng nhân dân. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân.