Trang:Cong bao Chinh phu 909 910 nam 2022.pdf/48

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
49
CÔNG BÁO/Số 909 + 910/Ngày 15-12-2022


4. Người đứng đầu cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình có trách nhiệm thông báo cho Công an xã nơi đặt cơ sở về trường hợp người được chăm sóc, điều trị có dấu hiệu bị bạo lực gia đình để bảo vệ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình

1. Người bị bạo lực gia đình được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2. Người bị bạo lực gia đình được cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho người bị bạo lực gia đình.

Điều 31. Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình

1. Người có hành vi bạo lực gia đình được giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; tham gia dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình do cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình cung cấp.

2. Nội dung giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình;

b) Nhận diện các hành vi bạo lực gia đình và trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình;

c) Kỹ năng ứng xử, phòng ngừa, xử lý mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình;

d) Kiến thức và kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình; giải tỏa áp lực, căng thẳng;

đ) Các nội dung khác.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và tổ chức thực hiện việc giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình đối với người có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.